Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông vừa trình UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng theo thiết kế do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) xây dựng.
Trên cơ sở nghiên cứu của TEDI, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP Hà Nội đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án. Trong đó, phương án ba được nhiều thành viên lựa chọn nhất với 13/15 phiếu tán thành; phương án một được 1/15 thành viên Hội đồng lựa chọn; phương án hai được 1/15 thành viên Hội đồng lựa chọn.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc (Hội kiến trúc sư Việt Nam, một trong 15 thành viên Hội đồng tuyển chọn) cho hay "cả ba phương án tôi đều thấy chưa đạt yêu cầu và đã viết nhận xét đề nghị sửa lại".
Ông cho rằng, phương án 3 dù nhận được nhiều lựa chọn song "có những chi tiết gây rối, là sự tập hợp, ghép nhặt của nhiều chi tiết cổ điển, phương Đông".
"Việc lặp lại đúng phong cách kiến trúc Đông Dương là chưa hợp lý. Cần có sự cách điệu theo hướng hiện đại. Cụ thể, nên giảm các chi tiết gò, chi tiết ở hai cổng chào, các mố cầu, lan can...; khai thác kiến trúc Art - Deco để tăng tính hiện đại, khỏe khắn mà trang nhã của kiến trúc cầu. Ngoài ra, nên mở rộng sàn cầu tại vị trí mố cầu, phần cho người đi bộ dừng nghỉ, ngắm cảnh", KTS Nguyễn Quốc Thông phân tích.
Theo ông, nếu muốn khai thác kiến trúc Pháp thì phải áp dụng "tinh thần Pháp", đó là kiến trúc đĩnh đạc, sang trọng, thông qua các đường nét có ngôn ngữ, chứ không phải lộn xộn, chắp vá, dập khuôn nhiều phong cách. Vận vào thời nay, phong cách kiến trúc cần trên tinh thần đơn giản, hiện đại.
"Cầu của ngày hôm nay phục vụ các phương tiện có tốc độ cao, cần nét kiến trúc khỏe khoắn. Mỹ quan thời nay cũng khác thời xưa", ông Thông nói.
Là một trong hai thành viên Hội đồng không chọn phương án 3, ông Nguyễn Ngọc Long (Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam) cho rằng, kiến trúc tháp Đông Dương không ăn nhập với kết cấu cầu hiện đại, gắn với tên tuổi danh nhân Trần Hưng Đạo. Phương án này chọn dầm bê tông dự ứng lực đúc hẫng cân bằng nhịp 156 m là không hợp lý; vì nhịp lớn nên chiều cao dầm rất lớn, nặng nề.
Ông Long cho rằng phương án một là chấp nhận được. Cầu cần đáp ứng yêu cầu giao thông, gắn với ý nghĩa lịch sử, kết cấu hiện đại thanh mảnh, chiều cao giảm, vật liệu không chỉ giới hạn là bê tông mà nên đa dạng.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng bày tỏ, cây cầu cứng nhưng lại được thiết kế các trụ tháp như kiểu cầu dây văng với rất nhiều chi tiết hoài cổ rối rắm.
"Tôi không ủng hộ phương án ba. Hội đồng tuyển chọn cần lên tiếng vì sao lại chọn phương án xứ Đông Dương", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nằm trong dự án 18 cây cầu quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, có vị trí rất quan trọng vì góp phần kết nối hai bờ tả và hữu của Hà Nội, ở vị trí trung tâm thủ đô. Do đó, cây cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn đô thị.
Ông Tùng cho rằng, theo phương án được lựa chọn thì cầu Trần Hưng Đạo không phải cầu dây văng mà là cầu cứng, "thiết kế theo lối này rất tốn kém và kéo theo cả tháp, trụ cầu, mố cầu cũng phải trang trí cùng kiểu".
Theo ông, Hà Nội hôm nay là "thành phố hòa bình chứ không phải xứ Đông Dương xưa. Do đó, thời đại nào thì kiến trúc đó". Ông kiến nghị thành phố Hà Nội tổ chức thi tuyển thiết kế để chọn ra cây cầu có kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng, lấy ý kiến cộng đồng trước khi phê duyệt. Bởi theo Luật Kiến trúc 2019, những công trình đặc biệt, là điểm nhấn quan trọng của đô thị phải qua thi tuyển kiến trúc giống như cầu đi bộ qua sông Hương của Huế, cầu Thủ Thiêm 2 của TP HCM...
Cũng tham gia Hội đồng tuyển chọn, ông Nguyễn Văn Nhậm (chuyên gia Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng) bỏ phiếu cho phương án ba. Theo ông, phương án ba thực chất là cầu đúc hẫng đã được thi công nhiều ở Việt Nam. Đây là phương án hợp lý nhất về mặt kết cấu trong 3 phương án đưa ra, dễ thi công, dễ duy tu bảo dưỡng, kinh phí thấp.
"Tuy nhiên, để khác với các cầu cùng loại đã và sắp xây dựng ở Hà Nội như: cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Mễ Sở... cần thiết kế hai đầu tháp đầu cầu đẹp, hệ thống chiếu sáng hợp lý", ông Nhậm lưu ý.
Bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cũng bỏ phiếu phương án ba. Song bà cho rằng chỉ có 3 phương án nên rất khó chọn phương án tối ưu. Hai phương án một và hai theo hướng hiện đại, có tính biểu tượng nhưng thiếu cá tính, lặp lại kiểu kiến trúc đã có của một số cây cầu trên thế giới.
Phương án ba theo hướng kết nối, hài hòa với phong cách kiến trúc phố cũ, không bị lẫn với những cây cầu đã có. Tuy nhiên, phương án này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về tỷ lệ giữa các khối, các chi tiết, đường cong của vòm giữa, chi tiết kết nối của trụ cầu, lan can...
Trước đó, thuyết trình về phương án ba cầu Trần Hưng Đạo, TEDI nêu đây là công trình có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử, kết nối nội đô phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc. Phương án này phù hợp quy hoạch 2 bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố trung tâm gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc và sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương.
>> Ba phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo