Chiều 8/10, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, giai đoạn một trong 10 ngày từ 10/10, hai đường bay trên sẽ có tần suất một chuyến khứ hồi một ngày.
Với đường sắt, UBND Hà Nội vẫn đề nghị tạm dừng đón trả khách tại ga Hà Nội.
"Nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thủ đô, việc phục hồi vận tải hành khách phải thận trọng và có phương án, giải pháp và lộ trình rất cụ thể", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói.
Với sự thống nhất của Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh kế hoạch mở đường bay nội địa từ 10/10, thay vì chỉ mở 10 đường bay giữa các địa phương như trước.
Việc mở các đường bay nội địa được Bộ Giao thông Vận tải xúc tiến từ đầu tháng 10 với việc lấy ý kiến của các địa phương để đảm bảo phòng chống dịch. Ngày 29/9, lãnh đạo Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chưa mở lại đường bay nội địa đến thủ đô.
Trong 19 địa phương trả lời về kế hoạch mở đường bay, Hà Nội là một trong ba nơi không đồng tình. Trong văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam, UBND Hà Nội đề nghị làm rõ nhiều nội dung như tiêu chí với hành khách đi máy bay, khách phải thuộc vùng xanh. Với hành khách thuộc vùng có mức độ dịch ở cấp 3-4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của nơi đến.
Hôm qua, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề nghị UBND Hà Nội hai phương án mở đường bay với tần suất thấp. Thứ nhất, tổ chức chuyến bay hai chiều giữa Hà Nội và TP HCM, tần suất 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Phương án thứ hai, chở khách một chiều từ Hà Nội đi TP HCM với tần suất ban đầu là 4 chuyến mỗi ngày; chiều ngược lại có thể chở hàng, không chở khách.
Việc Hà Nội không đồng ý mở đường bay mấy ngày qua, cùng với vị trí quan trọng của sân bay Nội Bài đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ gây khó cho kế hoạch mở lại đường bay nội địa.
Sản lượng hành khách tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất chiếm 60% sản lượng các sân bay cả nước. Năm 2019, trước khi dịch bùng phát, Nội Bài đón hơn 29 triệu hành khách, Tân Sơn Nhất đón hơn 41 triệu.