Ngày 4/12, bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó giám đốc Công ty công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý, duy tu cầu Chương Dương), cho hay đơn vị đã bàn giao mặt bằng cầu cho đơn vị kiểm định xem xét. Dự kiến đến hết tháng 12, việc kiểm định hoàn thành, khi đó cơ quan quản lý sẽ lên phương án sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương.
Theo Công ty Công trình giao thông Hà Nội, trong năm 2021, mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Để giảm tải và tránh ùn tắc lối lên xuống cầu từ hướng đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, Hà Nội đã xây dựng thêm hệ thống vòng xoay ở phía Nam, song hiện phương án này không còn khả thi vì lượng phương tiện cá nhân qua khu vực này quá lớn.
Thời gian gần đây, đi dọc theo cầu, dễ dàng nhận thấy những hư hỏng, xuống cấp của nhiều hạng mục cầu. Ở hướng từ Long Biên vào trung tâm, khe co giãn số 7 bị nứt với độ rộng khoảng 5 cm, khiến một phần đường tách rời khỏi thành cầu. Cạnh đó, một khe co giãn khác nhô lên hẳn so với mặt đường tạo thành gờ, khiến nhiều người đi qua phải giảm tốc độ đột ngột.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy xác nhận, cầu có 11 khe co giãn, trước đây 8 khe co giãn đã được sửa chữa song vẫn còn 3 khe chưa được sửa gồm T4, T7 và T8A.
Trên mặt cầu, lớp bê tông nhựa bị bong tróc, nứt vỡ ở nhiều nơi. "Tôi đi qua đây thường xuyên và rất khó chịu mỗi khi tới những điểm này vì xe bị nảy lên cao, nếu không chắc tay lái rất dễ ngã", ông Nguyễn Văn Tứ (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên) nói.
Lan can cầu hiện cũng bị gỉ sét, có đoạn bật ra khỏi thành cầu, rung lắc mạnh mỗi khi có phương tiện đi qua.
Cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Công trình này bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, được đưa vào sử dụng năm 1985.
Phạm Chiểu - Võ Hải