Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại cuộc họp Thường trực Thành ủy, chiều 27/7. Cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị ở quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách, ông Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay.
Sau 4 ngày thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố (giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), ông Dũng nhận định việc ban hành văn bản này là "đúng, trúng, kịp thời, được đông đảo dư luận nhân dân ủng hộ". Tuy nhiên, trên thực tế có nơi làm rất tốt, có nơi chưa nghiêm, có hiện tượng chủ quan.
"Nếu tiếp tục để tồn tại những vi phạm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả phòng, chống dịch chung của thành phố, làm lãng phí thời gian vàng 15 ngày thực hiện giãn cách", ông Dũng nói.
Bí thư Hà Nội giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo công an thành phố làm đầu mối, phối hợp với cấp ủy, chính quyền bố trí đủ chốt nhằm kiểm soát, nhất là ở địa bàn giáp ranh, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách: Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền địa phương làm việc cụ thể với từng cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, bao gồm cả các cơ quan, doanh nghiệp trung ương yêu cầu thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm. "Tăng quy mô, mật độ kiểm soát trên các địa bàn, tuyến đường, khu vực công cộng, xử lý nghiêm trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng, không đúng quy định", Bí thư Hà Nội yêu cầu.
Ông cũng đề nghị các cấp, ngành tăng cường công tác chuẩn bị để bảo đảm duy trì hiệu quả phòng, chống dịch trong kịch bản xấu hơn và dịch kéo dài hơn; bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng tham gia; không để bị động bất ngờ, mất kiểm soát trong mọi tình huống.
Trước đó từ chiều 26/7, phường Nhật Tân, phường Bưởi (quận Tây Hồ) bắt đầu phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ, áp dụng từ ngày 27/7. Mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và chủ nhật. Thời gian đi chợ được khống chế một giờ một ngày.
Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách xã hội, người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Trường hợp người dân khi vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải khai báo y tế, tuân thủ biện pháp giám sát, cách ly y tế.
Ngày 27/7, Hà Nội ghi nhận 76 ca bệnh, đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay). Tổng số ca Covid-19 từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay là 870, chưa tính số ca ở hai bệnh viện trung ương.
Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm điểm bán hàng cố định và điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Võ Hải