Ngày 7/12, đại diện Công an TP Hà Nội cho hay các đơn vị liên quan đang lập danh sách số người 14 tuổi trở lên (cả thường trú và tạm trú) đủ điều kiện cấp căn cước công dân gắn chip theo từng tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học...; đồng thời xây dựng lịch cấp lưu động và dự trù vật tư để cấp cho khoảng 2,5 triệu người.
Theo Thượng tá Vũ Văn Thi, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, lâu nay thành phố chỉ cấp thẻ căn cước cho người dân tại trụ sở công an cấp quận, lần này cấp lưu động nghĩa là triển khai đến cấp phường.
"Đơn cử tại quận Đống Đa, dự kiến từ 1/1/2021, thẻ căn cước gắn chip sẽ được cấp tại trụ sở 21 công an cấp phường. Chúng tôi đã được tập huấn để đảm bảo việc này diễn ra theo đúng lộ trình", Thượng tá Thi nói.
Dự kiến các phường ở Hà Nội sẽ phục vụ người dân có nhu cầu làm căn cước công dân gắn chip liên tục các ngày trong tuần; thời gian tiếp nhận hồ sơ hàng ngày tăng lên 10 giờ thay vì chỉ 8 giờ hành chính. "Việc cấp căn cước công dân lưu động tại công an phường sẽ giúp giảm khoảng cách đi làm, giảm thời gian chờ đợi, thuận tiện hơn nhiều cho người dân so với trước", Thượng tá Thi nói thêm.
Cùng với việc cấp căn cước lưu động, công an TP Hà Nội cũng sẽ cấp thẻ căn cước tại nhà cho người già, gia đình chính sách, người ốm đau, bệnh tật...
Đối với trường hợp cấp tại chỗ ở, công an xã, phường và chính quyền địa phương sẽ tổng hợp, rà soát và lên danh sách đề xuất với công an cấp quận. Sau đó Đội Quản lý hành chính công an các quận, huyện sẽ mang thiết bị đến nhà để hỗ trợ người dân.
Dự kiến từ 1/1/2021 việc cấp Căn cước công dân gắn chip sẽ được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc với tất cả công dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Đến tháng 7/2021, Bộ Công an dự kiến sẽ cấp đủ 50 triệu thẻ căn cước cho tất cả công dân trong độ tuổi quy định.
Thẻ căn cước gắn chip dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...), ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái.