Bộ Công an vừa đề xuất Thủ tướng xây dựng dự án căn cước công dân, trong đó đưa ra phương án gắn chip điện tử vào thẻ căn cước. VnExpress trao đổi với thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đơn vị chủ trì xây dựng dự án.
- Vì sao Bộ Công an đưa ra đề xuất trên, thưa ông?
- Vấn đề làm thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hay làm thẻ mã vạch đã được đặt ra từ khi bắt đầu sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014. Tuy nhiên, lúc đó trong nước chưa tự chủ được công nghệ sản xuất chip, phụ thuộc vào bên ngoài nên tính bảo mật không cao. Hơn nữa, khi đó chi phí làm thẻ gắn chip cao, nguồn vốn ngân sách không đáp ứng được.
Đến năm 2016, khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, cũng do khó khăn về kinh phí nên chúng tôi chưa thể triển khai dự án cấp căn cước công dân mã vạch trên toàn quốc, mới chỉ cấp cho 16 tỉnh, thành. 47 tỉnh, thành còn lại đến nay vẫn cấp chứng minh thư 9 số và 12 số. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải trang bị và cấp căn cước công dân cho các tỉnh, thành còn lại như thế nào? Nếu cấp tiếp thẻ mã vạch có thể sẽ lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu quản lý, cải cách hành chính.
Trong khi đó, Bộ Công an đang phải gấp rút xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một dự án được Chính phủ đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Do vậy, Bộ Công an thấy rằng nếu cùng lúc xây dựng được hai dự án (thẻ căn cước công dân gắn chip và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) sẽ giúp giảm được nhiều công đoạn, chi phí và đặc biệt sẽ tận dụng được một phần hạ tầng, thiết bị vì có những việc cả hai dự án dùng chung được.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng, thẻ căn cước gắn chip sẽ đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ.
- Chi phí để sản xuất thẻ căn cước công dân gắn chip hiện nay ước tính như thế nào?
- Chip điện tử chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể dự án căn cước công dân mới mà Bộ Công an đề xuất thực hiện. Tổng thể dự án này có quy mô ít hơn dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ước tính khoảng 2.800 tỷ đồng (nhiều phần việc trong đó việc gắn chip chỉ là phần nhỏ), giảm rất nhiều so với con số đầu tư ước tính những năm trước.
Số tiền đầu tư ước tính giảm được nhờ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nếu dự án được thông qua, dự tính chỉ cần nâng cấp đường truyền để phù hợp với dữ liệu vì trước đây chỉ truyền được file text thì nay cần bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học sẽ phải đầu tư cho dung lượng cao hơn; ngoài ra phải trang bị ít nhất mỗi huyện hai máy để thu thập thông tin dữ liệu làm căn cước...
Theo tính toán sơ bộ của các đơn vị liên quan, thẻ căn cước gắn chip có thể đắt hơn thẻ vạch hiện nay từ 10.000 đến 20.000 đồng (Phí chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân hiện nay là 15.000 đồng). Tuy nhiên, đổi lại là lợi ích quốc gia, sự tiện lợi trong giao dịch cho người dân và phù hợp với xu thế thế giới.
- Thẻ căn cước công dân gắn chip lưu trữ được bao nhiêu trường thông tin so với thẻ mã vạch hiện nay?
- Trong quá trình đề xuất, chúng tôi đưa ra các phương án như thẻ gắn mã QR và thẻ chip. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và lãnh đạo cho rằng thẻ chip điện tử tốt hơn, độ bảo mật cao hơn, lưu giữ được nhiều thông tin hơn, có thể bổ sung thêm các trường thông tin của ngành khác, lĩnh vực khác.
Thẻ chip cũng là xu thế nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng, đáp đứng được các yêu cầu giao dịch trên hệ thống điện tử.
Việc lưu giữ thông tin của thẻ chip gấp hàng chục lần so với thẻ hiện nay và tuỳ vào dung lượng của con chip; dung lượng càng cao thì lưu trữ càng nhiều. Nó cũng giống như thẻ nhớ điện thoại của bạn.
Dự kiến trong tương lai, ngoài dữ liệu do ngành công an quản lý gồm khoảng 20 trường thông tin (họ tên, quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng...), có thể bổ sung, tích hợp các dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái... vào thẻ gắn chip. Đặc biệt loại thẻ này sẽ lưu trữ các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt bằng hình ảnh, vân tay ảnh và sinh trắc học... Đó là những dữ liệu mà thẻ căn cước mã vạch không lưu được.
Thông tin trong chip được mã hóa. Để sử dụng loại chip này có hai phương án là dùng công nghệ chạm hoặc không cần chạm; nếu chạm sẽ có thiết bị đầu đọc riêng, khi công dân làm việc ở đâu cảnh sát và các cơ quan chỉ cần quét là có thể tra được dữ liệu để phục vụ quản lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Đơn cử bạn cầm thẻ gắn chip đi bệnh viện, họ có thiết bị nhận biết thẻ của bạn đã tích hợp bảo hiểm y tế và bạn không cần phải xuất trình thêm giấy tờ nào khác. Tiến tới mỗi người chỉ cần một loại thẻ có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
- Một số chuyên gia lo ngại việc lưu trữ nhiều thông tin trong con chip như vậy sẽ khiến công dân bị định vị, theo dõi hoặc làm giả chip để giao dịch. Ông nghĩ sao?
- Loại chip này không định vị được. Quá trình sản xuất có đơn vị chức năng giám sát và sau này khi cấp rồi thì người dân cũng có quyền giám sát. Hơn nữa pháp luật quy định rất rõ việc này, ai làm sai sẽ bị xử lý, chế tài đã có.
Chip điện tử được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Ai đó đánh cắp căn cước công dân của bạn, tháo chip ra cũng không thể đọc được. Chỉ người sở hữu nó mới có thể sử dụng được, vì trên đó ngoài số định danh cá nhân còn lưu giữ các thông tin riêng về cá nhân như sinh trắc học, hình ảnh nhận dạng.
- Hiện khoảng 70% dân số ở nông thôn, việc tiếp cận công nghệ còn hạn chế, vậy Bộ công an đưa ra giải pháp gì cho vấn đề này?
- Đây là dự án phạm vi trên toàn quốc, không phân biệt thành thị hay nông thôn. Hệ thống máy móc, thiết bị đọc, thu nạp sẽ phải giống nhau từ cấp huyện. Do vậy người dân có thể đi bất cứ nơi đâu đều giao dịch được.
Hiện dự án căn cước công dân mới trong đó có nội dung gắn chip điện tử đã được trình Thủ tướng, tuy nhiên vẫn trong quá trình chờ thẩm định. Nếu được thông qua, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về vốn thì dự kiến nhanh nhất tháng 11/2020 có thể bắt đầu hoặc chậm cũng sang tháng 7/2021 phải cấp cho toàn bộ người dân đủ 14 tuổi trở lên.
Chứng minh thư 9 số sử dụng từ năm 1957, sau 3 lần thay đổi vào những năm 1964, 1999, đến năm 2012 chuyển sang 12 số và đến năm 2016 bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch ở mặt sau.
Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.