Chiều 20/4, 8 cán bộ trong tổ dân phố Ngọa Long 2 thuộc phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia làm bốn nhóm đi rà soát hộ gia đình trên địa bàn, để lên danh sách người được nhận trợ cấp do ảnh hưởng của Covid-19.
Từ cuối tuần trước, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đề nghị Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, UBND các quận, huyện rà soát những trường hợp trong diện hưởng chính sách an sinh xã hội theo nghị quyết số 42 của Chính phủ (gói 62.000 tỷ đồng); hạn chót nộp danh sách từ phường lên quận 20/4, từ quận lên thành phố là 21/4.
Công việc trên được các quận, huyện triển khai về từng tổ dân phố. Tại nhà chị Đinh Thị Thắm (33 tuổi), cán bộ tổ dân phố Ngọa Long 2 đề nghị chị cung cấp thông tin cá nhân để điền vào biểu mẫu in sẵn. Ở mục ngành nghề, chị Thắm kê khai "bán hàng rong" và thuộc nhóm được nhận hỗ trợ.
Nhóm cán bộ tổ dân phố đang trên đường đến các hộ dân tiếp theo thì gặp ông Nguyễn Văn Vân (61 tuổi). Ông Vân mang theo chứng minh thư và đề nghị được đưa vào danh sách hưởng trợ cấp, tuy nhiên bị từ chối vì ngành nghề không nằm trong biểu mẫu.
Ông Vân trình bày gia đình gồm 11 người đều làm ruộng, ngoài ra xây một dãy trọ để kiếm thêm thu nhập. "Hiện nay đồng ruộng không cày cấy được, còn nhà trọ không có người ở nên gia đình tôi rất khó khăn", ông Vân nói.
Bà Nguyễn Thị Mùi - Tổ trưởng dân phố Ngoạ Long 2, trả lời ông Vân hoàn cảnh khó khăn nhưng ngành nghề lại không thuộc danh mục được hỗ trợ.
"Biểu mẫu cấp trên giao xuống gồm các mục: Bán hàng rong, bán hàng trên xe đẩy không có địa điểm cố định; thu gom rác phế liệu; bốc vác; lái xe môtô hai bánh chở khách, xích lô; bán lẻ vé số; làm việc tại các hộ kinh doanh ăn uống, du lịch, làm đẹp giải trí", bà Mùi nói và và khẳng định trong biểu mẫu không có nghề làm ruộng hoặc cho thuê nhà.
Theo bà Hoàng Thị Chiên - Phó chủ tịch UBND phường Minh Khai, quá trình lập danh sách những người được hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn, ngành nghề đa dạng và chưa có hướng dẫn cụ thể; cán bộ đi rà soát chưa được tập huấn.
"Nhiều người gọi điện cho tôi hỏi nhà có hai người làm nông nghiệp không thuộc diện trợ cấp, nhưng một người phải nghỉ làm đồng để trông con, nghĩa là ở nhà làm nội trợ thì có được hay không?", bà Chiên nói và cho hay những trường hợp chưa rõ ràng sẽ được thêm vào phần đề xuất để các cấp có thẩm quyền xem xét khi xét duyệt danh sách.
Ngoài ra, bà Chiên nói phường gặp khó khăn khi liên lạc với chủ cửa hàng kinh doanh trên địa bàn, "họ đóng cửa nên chúng tôi không biết làm sao để hoàn thiện thông tin, trong khi thời hạn lên danh sách chỉ trong ba ngày".
Thời gian tới phường Minh Khai sẽ lập hội đồng xét duyệt để thẩm định lại những trường hợp trong danh sách. "Nhiều trường hợp nằm trong danh sách rồi, nhưng cần xem xét kỹ vì có thể họ đã khai báo ở nơi khác", bà Chiên nói.
Bà Chu Thị Thu Hà - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Bắc Từ Liêm, cho biết cũng nhận được nhiều thắc mắc của người dân, nhưng dựa theo quy định của Chính phủ, trước mắt quận sẽ tập trung hỗ trợ những người mất việc làm. Các trường hợp khác (như làm nông nghiệp, kinh doanh nhà trọ...), quận sẽ đưa vào danh sách chờ hướng dẫn.
Ngày 9/4, Thủ tướng ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Gói hỗ trợ này dự kiến hơn 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người.
Người dân được hỗ trợ tối đa 3 tháng với các mức khác nhau, từ 250.000 đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi tháng.