Theo quy hoạch được phê duyệt ngày 29/4, bến xe Đông Anh được xây dựng tại khu vực nút giao giữa quốc lộ 3 và đường Vành đai 3, gồm: nhà điều hành (cao 3 tầng); khu vực nhà chờ cho xe khách và bãi đỗ các loại phương tiện giao thông công cộng; điểm đầu cuối xe buýt (cao một tầng).
Một công trình dịch vụ thương mại (cao 9-12 tầng) được bố trí thấp dần về phía khu dân cư xã Uy Nỗ để hài hòa với cảnh quan hiện trạng. Ngoài ra, bãi đỗ xe trong khuôn viên bến tại khu vực đón trả khách được bố trí mái che và trồng đan xen cây xanh.
Bến xe Đông Anh bố trí 148 chỗ đỗ xe, đảm nhận vai trò vận tải hành khách các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn vào trung tâm Hà Nội và điều tiết, hỗ trợ đảm nhận một phần lưu lượng vận tải từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu.
Theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về quy hoạch bến, bãi đỗ xe đến 2030 tầm nhìn 2050 (thông qua cuối năm 2018), bến xe Đông Anh là một trong bảy bến liên tỉnh nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn các bến xe vệ tinh phục vụ khu vực đô thị trung tâm.
Sáu bến xe còn lại gồm: Bến phía Bắc 10 ha; phía Đông Bắc (bến Cổ Bi) 10,4 ha; phía Nam 10 ha; Yên Nghĩa 7 ha; phía Tây 5 ha; phía Tây Bắc (Phùng) 15 ha.
Bốn bến xe khách liên tỉnh nằm sâu trong đô thị trung tâm, gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm được tiếp tục được khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có.
Trong trung hạn, Hà Nội sẽ xây dựng bến xe khách Yên Sở với diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ cho các bến hiện có.
Về lâu dài, sau khi đầu tư bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường vành đai 4) thì các bến Yên Sở, Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe. Khi đó, các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại hai bến này được điều chuyển về bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam.
Võ Hải