Bệnh nhi ở huyện Chương Mỹ, khởi phát bệnh cuối tháng 3. Đến ngày 12/4, kết quả xét nghiệm ghi nhận phát hiện dương tính với sởi. Trước đó, em đã tiêm 3 mũi vaccine ngừa bệnh này. Hiện chưa rõ bối cảnh trẻ mắc bệnh.
Sau gần 3 tuần được điều trị tại bệnh viện địa phương, trẻ đã xuất viện.
sởi Trên cả nước, Bộ Y tế thống kê 42 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.
Hồi tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hơn một nửa quốc gia trên toàn cầu nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm nay nếu không có biện pháp phòng ngừa khẩn cấp. Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc sởi năm ngoái tăng 79% so với 2022, lên hơn 300.000, song đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Các chuyên gia cho biết con số thực có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Bộ Y tế cũng cảnh báo do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng tình trạng gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2023, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Đây là một trong yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm sởi.
Để giảm nguy cơ bùng phát bệnh sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.
Tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các nhóm thuộc Chương trình TCMR, trong đó tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Đồng thời rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ thuộc Chương trình TCMR chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Người dân được khuyến cáo đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Lê Nga