Để phục vụ việc điều chỉnh địa giới hành chính, lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo huyện Từ Liêm tăng cường quản lý các lĩnh vực, nhất là đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng... để không xảy ra việc cấp đất trái thẩm quyền, mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định, xây dựng trái phép. Đồng thời quản lý chặt chẽ tài chính, tài sản công để không xảy ra thất thoát, lãng phí.
Trong khi thực hiện các thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố sẽ tạm dừng giới thiệu địa điểm, lập quy hoạch chi tiết, giao đất triển khai các dự án đầu tư mới và tổ chức đấu thầu các dự án, đấu giá quyền sử dụng đất. Hà Nội cũng không đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan, không chia tách, sáp nhập hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc, không tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ.
Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với huyện Từ Liêm chuẩn bị hồ sơ báo cáo Chính phủ về việc thành lập 2 quận và 23 phường được đảm bảo chất lượng và tiến độ, báo cáo UBND thành phố trước 5/12.
Trao đổi với báo chí ngày 3/12, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trụ sở các cơ quan của 2 quận mới vẫn sử dụng trên cơ sở vật chất cũ, số cán bộ tăng thêm do huyện Từ Liêm đề xuất trong đề án song sẽ theo đúng quy định.
Trước đó, ngày 28/11, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính quận Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường, đề nghị Hà Nội hoàn thiện đề án trình Chính phủ. Tuy nhiên, tên gọi 2 quận mới là "Bắc Từ Liêm" và "Nam Từ Liêm" do huyện này đề xuất đang gây tranh cãi và bị người dân phản ứng.
Đoàn Loan