Ngày 10/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký hai văn bản liên quan đến khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn). Thành phố sẽ xây dựng hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 ha thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn. Hồ chứa sinh học rộng trên 7 ha, gồm đào hai hồ chứa nước rỉ rác và hạ tầng kỹ thuật như tường rào, mương thoát nước, đường nội bộ, hệ chống chiếu sáng, cây xanh.
Chi phí xây dựng hồ sinh học gần 80 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022. Khi hoàn thành, tổng dung tích hồ chứa khoảng 450.000 m3.
Hạng mục khẩn cấp thứ hai là ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê tông cốt thép và ô chứa nước rác. Trong đó ô chôn lấp rộng 3 ha và ô chứa nước rác khoảng 1,2 ha. Chi phí xây dựng hai hạng mục gần 95 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022.
Việc xây dựng các hạng mục nêu trên nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, chôn lấp rác đảm bảo an ninh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh; an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn.
Hà Nội nâng công suất bãi rác Nam Sơn trong bối cảnh cả hai bãi rác đều gặp sự cố. Trong đó, bãi Nam Sơn (Sóc Sơn) ngừng tiếp nhận hôm 2/11 với lý do mưa lớn, hồ xử lý nước bị rò rỉ bờ bao, nguy cơ vỡ, tràn nước rác ra môi trường. Bãi Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) dừng tiếp nhận rác hồi giữa tháng 10 do sự cố về trạm xử lý nước thải. Hiện cả hai bãi đã tiếp nhận rác trở lại.
Hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở Hà Nội chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn (5.000 tấn) và bãi Xuân Sơn (khoảng 1.200 tấn), còn lại đốt ở một số lò nhỏ.
Bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ năm 1999, rộng 157 ha. Sau hơn 20 năm hoạt động, các ô chôn lấp đã quá tải. Những năm gần đây, Nam Sơn nhiều lần phải đóng cửa do người dân sinh sống trong khu vực chặn xe vào.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có 2 khu Sóc Sơn và Xuân Sơn hoạt động.
Võ Hải