Chiều 5/12, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt nhất trí, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội năm 2017. Theo đó, một trong những công việc trong thời gian tới là “hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch các phân khu còn lại; hoàn thành các quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở xã hội tập trung…”.
Với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, Hà Nội yêu cầu phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Trịnh Xuân Quang (tổ đại biểu HĐND quận Thanh Xuân), nghị quyết về kinh tế xã hội năm 2017 có kế hoạch cải tạo 4 khu chung cư cũ (Kim Liên, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ, Thành Công) là “vừa thiếu vừa không khả thi”.
Ông Quang cho hay, thành phố có khoảng 1.600 chung cư cũ, trong đó có 76 khu chung cư tập trung. Nếu chỉ đưa 4 khu chung cư cũ vào kế hoạch thì các khu khác thế nào? Hơn thế, trong số này chỉ chung cư Nguyễn Công Chứ đã quy hoạch chi tiết, 3 khu còn lại chưa được phê duyệt.
Đại biểu tổ Thanh Xuân đề nghị bổ sung vào nghị quyết nội dung: “Tiếp tục thúc đẩy chương trình cải tạo xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố trên cơ sở xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp quy định hiện hành pháp luật, kế hoạch kinh tế xã hội, thực tiễn và ban hành công bố công khai kế hoạch cải tạo chung cư cũ”.
Theo Luật nhà ở và nghị định 71 hướng dẫn Luật nhà ở, nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, là tài sản của nhà nước và chỉ dùng với mục đích cho thuê. Còn nhà ở thu nhập thấp là loại hình nhà ở thương mại có sự điều tiết của nhà nước về diện tích, giá cả, điều kiện và đối tượng được mua bán. Điểm giống nhau của 2 loại hình nhà ở này là đều dành cho các thành phần khó khăn về nhà ở trong xã hội mà không có điều kiện tự cải thiện.
Võ Hải