Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đưa ra kiến nghị với UBND thành phố về cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2015.
Theo đó, Sở này đề xuất thành phố chấp thuận được tiếp tục đặt hàng trong năm 2015 với 49 tuyến của Tổng công ty vận tải Hà Nội. 16 tuyến buýt xã hội hóa cũng được đề nghị chuyển đổi từ hình thức đấu thầu sang đặt hàng và trợ giá chính thức với tuyến 74 đang được thí điểm.
Ngành giao thông cũng đề nghị thành phố phê duyệt danh mục các tuyến và thời gian lựa chọn nhà thầu để mở tuyến mới trong năm 2015 (8 tuyến) và 2016 (4 tuyến).
Số tiền ngân sách được Sở đề xuất thành phố phê duyệt trợ giá xe buýt năm 2015 là 1.389 tỷ đồng (tăng so với năm 2014 gần 400 tỷ). Trong đó, trên 230 tỷ chuyển tiếp từ 2014 sang 2015, 74 tỷ dùng cho đấu thầu mở mới 8 tuyến và hơn 1.000 tỷ chi cho 71 tuyến trợ giá.
Trước đó (ngày 18/3), tại buổi họp giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, khi lý giải cho đề xuất tăng giá vé xe buýt có trợ giá từ 1/5, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hoàng Linh cho rằng một trong những mục tiêu của tăng giá vé “nhằm từng bước giảm bớt sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, sau 4 tháng vé xe buýt được điều chỉnh tăng, ngành giao thông đã đề xuất tăng thêm gần 400 tỷ cho trợ giá xe buýt.
Số liệu của Sở Giao thông Hà Nội cho thấy, địa bàn thành phố hiện có 89 tuyến xe buýt với 1.189 phương tiện, gồm 71 tuyến xe buýt có trợ giá, 11 tuyến không trợ giá và 7 tuyến buýt kế cận. Toàn thành phố có hơn 1.900 điểm dừng đỗ, 383 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 76 điểm đầu cuối, 2 làn đường dành riêng cho xe buýt.
Minh Minh