Do ảnh hưởng cơn bão số 6 vừa qua nên lượng nước tăng lên đột biến tại các sông, hồ, vì vậy, lượng cá thoát ra sông Tô Lịch nhiều vô kể.
Hôm nay trời bắt đầu hửng nắng, cá nổi nhiều trên mặt sông, có rất nhiều cá lớn. "Câu thủ" tập trung hai bên bờ sông Tô Lịch, mới nhìn cứ tưởng nơi đây đang diễn ra một cuộc thi câu cá.
Rất lâu rồi tôi mới thấy cảnh này, các bác thợ câu từ trẻ đến già sử dụng cần câu máy, quăng những lưỡi câu chùm ra xa, họ rất khéo léo đưa đường cước đi tìm đến những chú cá to mà họ đã ngắm, phải nói là cũng cần sự may mắn mới có thể làm cho lưỡi câu móc vào con cá.
Khi cá đã dính vào lưỡi là một quá trình dài diễn ra, giống như là các bác thợ câu đang kéo co với ai đó, lúc buông dây cước lúc thu dây lại. Có nhiều khi những chú cá ngoan ngoãn bị kéo vào vợt khoảng 5 đến 10 phút, và ngược lại là phải mất 20 phút đến 35 phút mới kéo được chú cá to lên bờ.
Trông ai cũng có vẻ tập trung và kiên trì để có được sản phẩm mang về. Tôi gặp hai bác thợ câu già là bác Hòa và bác Quý. Họ đang mang một xâu cá nặng trĩu tay, các bác bảo mọi người đang sử dụng kỹ thuật câu mạng để bắt cá.
Câu mạng là kiểu câu rất phổ biến, nhưng lại rất khó cho những người mới tập, cách văng cần câu và làm thế nào để lưỡi câu đi theo hướng định sẵn của "câu thủ" là đòi hỏi phải có một quá trình học, tích lũy kinh nghiệm, nếu không lưỡi câu văng đi rất nguy hiểm đến người xung quanh.
Điểm đứng câu cũng phải lựa chọn, còn rất nhiều điều các bác muốn nói ra nhưng trời đã tối không thể tiếp được câu chuyện với các bác. Hai bác có hẹn: "Nếu cháu muốn biết thêm kỹ thuật câu thì có thể quay lại bờ sông Tô Lịch vào sáng mai”.
>> Xem thêm: Thợ câu 'sát cá' trên kênh Nhiêu Lộc, Sài Gòn
Nguyễn Công Trường
Chia sẻ hình ảnh, bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.