Báo cáo trước HĐND, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho hay, với sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân, việc đầu tư công trình hạ tầng còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao...
“Dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm. Số lượng điểm và tuyến đường ùn tắc giao thông còn nhiều, tai nạn ở mức cao”, ông Hùng cảnh báo.
Để khắc phục những nguy cơ trên, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 với tổng số kinh phí dự kiến 2.167 tỷ đồng.
Một trong những nội dung của chương trình là trong năm 2016 Hà Nội sẽ chi khoảng 700 triệu đồng, lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Qua đó, Hà Nội xác định rõ lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng phát triển quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng phát triển không theo kịp, gây ùn tắc trên địa bàn.
Trong tham luận đọc tại đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội đầu tháng 11, Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện cũng cho rằng, cùng với việc ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển đô thị, tập trung phát triển giao thông công cộng, cần xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020, nhằm giảm ùn tắc.
Đây không phải lần đầu tiên HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về giảm ùn tắc, trong đó có yêu cầu nghiên cứu giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Năm 2012, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết số 17 về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn với dự toán gần 2.000 tỷ cũng đã đưa mục tiêu: “Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân”.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện nghị quyết, Hà Nội không đưa ra được giải pháp cụ thể nào để hạn chế phương tiện cá nhân. Do đó, số phương tiện giao thông cá nhân liên tục tăng mạnh. Cụ thể, từ tổng số phương tiện hơn 4 triệu năm 2011 (trong đó gần 369.000 ôtô và khoảng 3,8 triệu xe máy), năm 2015 con số đã lên tới 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn hoạt động.
Một số nội dung Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn. Mỗi năm tai nạn giao thông 5-15% trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Thực hiện nhiều giải pháp như: Công tác tuyên truyền; kiểm tra xử lý vi phạm; giải pháp về vốn; giải pháp về khoa học công nghệ; phối hợp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... Tiếp tục triển khai đầu tư nhiều dự án xây dựng công trình có vai trò giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trong đó có 10 dự án đã phê duyệt danh mục giai đoạn 2012-2015 và 6 dự án có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện ra ngoài trung tâm thành phố theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất này cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác. |
Võ Hải