Sáng 10/1, tại quận Long Biên, phát biểu trong lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh", Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nói Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mức độ bụi mịn nhiều ngày qua đã vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân chính là khí thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên).
Theo Phó chủ tịch Hà Nội, thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm không khí, trong đó có chuyển đổi xanh với phương tiện giao thông công cộng. Mục tiêu đến trước năm 2035, 100% xe buýt trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch. Mỗi người có thể bắt đầu từ việc cụ thể như chuyển sang sử dụng xe điện hoặc phương tiện giao thông công cộng điện hóa, không dùng bếp than, đốt rác ngoài trời, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ không gian xanh tại nơi mình sinh sống.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hôm nay không khí đã tốt lên, nhưng những ngày qua người dân Hà Nội rất lo lắng do chỉ số chất lượng không khí AQI luôn báo động. Nhiều khách du lịch cho rằng Hà Nội là thành phố hấp dẫn với ẩm thực phong phú, người dân thân thiện, song điều khiến họ thấy tiếc nhất là chất lượng không khí thường xuyên xấu.
TS Tùng nói bụi mịn PM2.5 liên tục vượt ngưỡng là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc bệnh mãn tính. Hà Nội đang đối mặt với một cuộc "khủng hoảng không khí" mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.
Với mục tiêu góp sức đưa Hà Nội trở lại với vẻ đẹp trong lành, an toàn và thân thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết tập đoàn sẽ triển khai các hành động thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Cụ thể, Vingroup hỗ trợ 70 triệu đồng cho tất cả khách hàng mua ôtô điện và đăng ký biển số lưu hành tại Hà Nội; hỗ trợ 3 triệu đồng với khách mua xe máy điện và xe đạp điện; khách mua vé tháng đơn tuyến trên các tuyến của VinBus được giảm 50%; ưu đãi trực tiếp giá thuê xe và tích điểm cho các khách hàng thuê xe ngắn hạn và nhận xe tại Hà Nội.
"Tôi tin rằng với sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng và quyết tâm hành động ngay từ hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi diện mạo của Thủ đô. Hà Nội xứng đáng là thành phố đáng sống, đáng tự hào, không chỉ cho chúng ta mà cho tất cả những ai đến và yêu mến nơi này", ông Nguyễn Việt Quang nói.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10, kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Với quy mô dân số hơn 8 triệu, mật độ 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với trung bình cả nước, số phương tiện giao thông đặc biệt lớn (1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy), tháng 7/2021 thành phố đã ban hành kế hoạch đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Cuối tháng 12/2024, HĐND thành phố thông qua nghị quyết vùng phát thải thấp (LEZ) với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí. Người dân vùng LEZ sẽ được giảm giá, hỗ trợ đổi xe cũ, vay vốn mua xe mới để chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện. Trước mắt thành phố chọn hai quận trung tâm là Ba Đình và Hoàn Kiếm để thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025, từ năm 2031 trở đi sẽ áp dụng hầu hết quận.
Võ Hải