Chỉ đến khi Roger Bannister, một vận động viên người Anh đã phá vỡ "rào cản bốn phút" vào ngày 6/5/1954 với thời gian là ba phút, năm mươi chín và bốn phần mười giây.
Trước đó, các chuyên gia tin rằng họ biết chính xác những điều kiện mà mốc này sẽ sụp đổ, cuộc chạy bộ phải diễn ra trong thời tiết hoàn hảo, 68 độ F (20 độ C) và không có gió, vận động viên phải chạy một loại đường đua là đất sét cứng, khô.
Nhưng Bannister đã làm được điều đó vào một ngày lạnh giá, trên một đường đua ướt, ở Oxford, Anh, trước đám đông chỉ vài nghìn người.
Khi giới hạn đó bị phá vỡ, những người khác thấy rằng họ có thể làm được điều mà trước đây họ nghĩ là không thể.
Tôi ra chơi Hà Nội, bạn tôi sống ở đây làm tourguide, đèo tôi trên chiếc xe máy tham quan phố phường và dĩ nhiên trên đường kẹt xe. "Sao Hà Nội kẹt xe kinh hoàng vậy", tôi hỏi.
"Vội gì, Hà Nội không vội được đâu", bạn tôi đáp.
"Hà Nội không vội được đâu" - câu nói này đã trở nên quen thuộc với người dân thủ đô và cả những ai thường xuyên ghé thăm Hà Nội. Trong một thành phố sầm uất, nhịp sống dường như bị chậm lại trước tình trạng giao thông ùn tắc, môi trường ngày càng ô nhiễm và cơ sở hạ tầng quá tải.
Song, câu nói được rút ra từ những bài rap của giới trẻ tưởng như vô thưởng vô phạt này lại chứa đựng một rào cản vô hình, đã ăn sâu vào tâm lý nhiều người, trở thành cách biện minh cho những vấn đề tồn tại lâu dài ở thành phố này.
Mỗi buổi sáng, người dân Hà Nội đều chứng kiến hình ảnh những dòng xe dài kẹt cứng, khói bụi dày đặc và tiếng còi xe inh ỏi. Đường phố chật kín không chỉ vào giờ cao điểm mà gần như suốt cả ngày. Khi đối diện với tình trạng giao thông phức tạp và ô nhiễm không khí nặng nề, nhiều người dễ dàng chấp nhận "Hà Nội không vội được đâu" như một sự thật hiển nhiên.
Câu nói này đã trở thành lối tư duy "an ủi" cho việc chậm trễ, như thể nhịp sống chậm ấy là điều tất yếu của Hà Nội. Nhưng đáng nói là chính tư duy "không vội" này dường như đang dung dưỡng cho sự trì trệ, thiếu đột phá trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Nó như một cái cớ để che giấu những khía cạnh bất cập mà lẽ ra cần được cải thiện từ lâu.
Tắc đường và ô nhiễm không khí ở Hà Nội là những vấn đề cần sự thay đổi quyết liệt và làm ngay chứ không chỉ "kiên nhẫn".
Tình trạng tắc đường ở Hà Nội không còn là điều gì mới mẻ. Mỗi năm, dân số thành phố lại tăng lên, kéo theo số lượng phương tiện ngày càng nhiều, trong khi đường phố ngày một quá tải.
Các phương án như mở rộng đường, phát triển giao thông công cộng đã được đề xuất và triển khai, nhưng tiến độ thường chậm chạp, gặp không ít khó khăn. Những chiếc xe máy, ô tô ken đặc mỗi sáng sớm hay giờ tan tầm trở thành hình ảnh quen thuộc, nhưng cũng là dấu hiệu rõ ràng của hệ thống giao thông đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Song song với đó, chất lượng không khí ở Hà Nội thường được thông báo là rất xấu, nhất là những tháng cuối năm.
Để cải thiện vấn đề giao thông và ô nhiễm, Hà Nội cần những giải pháp đột phá và thực tế. Nâng cao ý thức người dân, giảm thiểu phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, thúc đẩy các dự án xanh - tất cả đều là những thay đổi quan trọng.
Các đề xuất, như Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025 hay chuyện Hà Nội đã có hai tuyến metro, sao không mạnh dạn hạn chế xe cá nhân ở những khu vực này... có lẽ sẽ vấp phản phản ứng từ chính những người chịu trận kẹt xe hàng ngày.
Câu chuyện Hà Nội tắc đường, ô nhiễm không khí cũng tương tự như rào cản bốn phút, trước đó, người ta đều nghĩ sẽ không làm được. Nhưng nếu có một người làm được, những người khác đều có thể chạy một dặm dưới bốn phút.
Triều Anh