Theo nghị định có hiệu lực từ tháng 10 này, mức hỗ trợ đối với cơ sở mầm non độc lập có quy mô dưới 3 nhóm, lớp là 20 triệu đồng; từ 3 nhóm, lớp trở lên là 40 triệu đồng. Mức hỗ trợ này nhằm giúp các trường trang bị thêm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và có thêm kinh phí sửa chữa lớp học, phục vụ trực tiếp việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Để được hỗ trợ, các trường phải nằm trong nhóm cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp; thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập; có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Mỗi cơ sở đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ một lần. Thời gian thực hiện là từ năm học 2021-2022, đảm bảo hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/6 hàng năm. Kinh phí từ ngân sách quận, huyện, thị xã.
Thành phố yêu cầu các đơn vị phải kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng. Trường hợp cơ sở giáo dục đã được hưởng chính sách hỗ trợ, khi chuyển đổi chủ cơ sở sẽ không được xem xét hỗ trợ lần hai.
Trước đó, vào tháng 8, Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do Covid-19, trong đó có cán bộ, giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải nghỉ việc không hưởng lương do các trường đóng cửa để phòng, chống dịch. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng một người.
Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động nhưng phải dừng 15 ngày liên tiếp trở lên theo yêu cầu để phòng, chống dịch cũng được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%.
Từ năm 2020, do Covid-19 bùng phát, các trường mầm non nhiều lần phải đóng cửa. Như ở đợt dịch thứ tư này, các trường đã có gần 6 tháng dừng hoạt động, đồng nghĩa không có nguồn thu, dẫn đến nhiều khó khăn, không thể trả lương cho giáo viên, thầy cô phải vật lộn kiếm sống bằng nghề khác.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên cả nước rơi vào tình trạng tương tự. Theo báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học mới 2021-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tính đến nay, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi với dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.
Hôm 20/10, hơn 90 trường mầm non tư thục với tổng số 200 cơ sở cùng ký vào đơn kiến nghị gửi Chính phủ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ tình thế "chết mòn".