Tại tọa đàm Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá sáng 4/5, ông Tuấn chia sẻ quy mô giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô tương đối lớn, 1.300 ha cho ba địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, tổng kinh phí 19.000 tỷ đồng. Ngoài bồi thường, Hà Nội phải tái định cư cho 2.200 hộ. Thành phố đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô 36 ha.
Ông Tuấn giải thích thành phố phải giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt nên quy mô rất lớn. Trong khi đó, cơ cấu tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng Vành đai 4 chiếm chưa tới 25%. "Càng để chậm càng nguy cơ. Việc này không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ khác nhau. Đây là bài học kinh nghiệm", ông Tuấn nói.
Tổng mức đầu tư Vành đai 4 Hà Nội là 85.800 tỷ đồng, chia thành ba dự án thành phần. Nhóm một là dự án giải phóng mặt bằng. Nhóm hai là đường đô thị song hành dưới thấp. Nhóm ba là dự án xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận. Ngân sách Trung ương và địa phương bố trí vốn nhóm một và hai. Nhà đầu tư BOT đảm nhận vốn nhóm ba.
Theo ông Tuấn, ngân sách Trung ương và địa phương đã được cân đối của đầu tư công Trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chính phủ dự kiến cân đối hơn 28.000 tỷ đồng. Ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cân đối hơn 28.000 tỷ đồng.
Với dự án đường song hành dưới thấp, vốn có thể phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến. Dự án PPP-BOT quy mô 29.400 tỷ đồng, triển khai xong năm 2025.
Khó khăn tiếp theo ông Tuấn nêu ra là Hà Nội thực hiện mô hình Nhà nước phối hợp với xã hội (kết hợp đầu tư công và đối tác công tư). Chủ trương này sẽ giảm tải ngân sách Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ cao tốc Bắc Nam giai đoạn một cho thấy, tính khả thi của BOT trong mô hình PPP "rất khó khăn". Thực tế rất nhiều dự án PPP-BOT phải chuyển sang đầu tư công.
Để giải quyết khó khăn về giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng ngoài tách thành dự án độc lập, thực hiện trước, cần thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung. Cụ thể, hai hạng mục cần chỉ định thầu là di dời hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần giải phóng; tái định cư.
Ông Phương phân tích, hạ tầng điện, nước, viễn thông yêu cầu về chuyên môn cao, thường đơn vị liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này mới thực hiện được. Nếu đấu thầu thì đôi khi chỉ là hình thức và chỉ có một nhà thầu có thể thực hiện. Để di dời các hộ dân, phải xây dựng khu tái định cư nhanh. Nếu làm chậm, đất đã lấy mà người dân chưa có nơi ở ổn định "thì rất bất cập".
Theo ông Phương, kiến nghị cho phép chỉ định thầu giải phóng mặt bằng cũng được kỳ vọng rút ngắn thời gian cho công tác này.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 111,2 km, điểm đầu nằm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố, cụ thể: 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; 4 huyện của Hưng Yên gồm Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh).
Đường có quy mô 6 làn xe cao tốc; hệ thống đường song hành hai bên; hành lang bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt vành đai. Tốc độ thiết kế 100 km/h.
Về tiến độ dự kiến, năm 2021-2023 chuẩn bị dự án; 2023-2024 giải phóng mặt bằng; năm 2024-2028 thi công.