Đây là phúc đáp của Bộ Y tế vào ngày 12/12, sau khi Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm nCoV và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho xuất viện. Đề nghị này được ngành y tế Hà Nội đưa ra vào tuần trước, trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có xu hướng tăng.
Test nhanh kháng nguyên là phương pháp lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm nhanh, kết quả có sau 15 phút, độ chính xác khoảng 70-80% nên mang ý nghĩa tầm soát, sàng lọc. Phương pháp xét nghiệm PCR là lấy mẫu xét nghiệm bằng máy, độ chính xác cao, mang giá trị khẳng định nCoV, tuy nhiên mất nhiều thời gian hơn test nhanh. Đến nay, theo quy định của Bộ Y tế, PCR vẫn là phương pháp xét nghiệm chính để xác định một người mắc Covid-19. Thời gian qua, khi dịch bùng phát mạnh, số ca nhiễm tăng cao, TP HCM và một số tỉnh phía Nam cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Theo Bộ Y tế, để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và hướng dẫn của Bộ nhằm xác định ca bệnh.
Cụ thể, ba trường hợp để xác định người nhiễm nCoV, gồm: Người nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính bằng kỹ thuật RT-PCR; trường hợp nghi ngờ, có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Trường hợp thứ ba là người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày và test nhanh kháng nguyên dương tính với hai loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ dương tính với một loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người được xem là khỏi bệnh khi có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc tự test dưới sự giám sát của nhân viên y tế, đủ 10 ngày điều trị tại nhà sẽ được kết thúc cách ly.
F0 tại các cơ sở thu dung, điều trị, kể cả có bệnh nền, điều kiện ra viện là các triệu chứng lâm sàng phải hết từ ba ngày trở lên; kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc chỉ số tải lượng virus CT từ 30 trở lên, hoặc kết quả test nhanh âm tính trước ngày ra viện. Sau khi ra viện, họ tự cách ly, theo dõi tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày.
Người có bệnh nền sau khi khỏi Covid-19 tiếp tục chuyển sang khoa điều trị chuyên môn thì áp dụng quy định về sàng lọc, theo dõi đối với bệnh nhân nội trú.
Tính đến tối 12/12, Bộ Y tế công bố Hà Nội tổng cộng gần 18.000 ca nhiễm, trong đó riêng ngày 12/12 thành phố có gần 1.000 ca - cao nhất từ trước tới nay tính theo ngày.