64.300 F0 được phát hiện trong tuần qua, khi TP HCM siết chặt giãn cách, tập trung test nhanh tất cả người dân tại "vùng đỏ" và "vùng cam" với tần suất hai ngày một lần. Riêng khu vực "vùng xanh", thành phố xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 10, "vùng vàng" mẫu gộp 5 với tần suất 7 ngày một lần.
Trong đó, riêng ngày 28/8 phát hiện 4.951 F0 thông qua khám sàng lọc tại bệnh viện, tầm soát ngoài cộng đồng - chiếm gần 91% trong tổng số 5.456 ca mắc mới. Những ngày trước, số lượng F0 ở ngoài cộng đồng cũng chiếm khoảng 80-90% số mắc mới trong ngày.
Theo bác sĩ Lương Trường Sơn (nguyên Phó viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM), tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng chiếm 80-90% số ca mắc mới trong ngày là "bình thường, không có gì phải hoảng sợ". Bởi trước đây, chiến lược phòng chống dịch của thành phố là chủ động, truy vết F0 bằng cách lập các khu cách ly tập trung F1, khu phong toả, rồi xét nghiệm phát hiện 80-95% trên tổng số ca nhiễm mới. Hiện, TP HCM không còn các khu này, chỉ lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng thì tỷ lệ đảo ngược (80-90% F0 cộng đồng).
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng, phần lớn F0 đang được tìm thấy trong cộng đồng là điều tất yếu bởi dịch đã lây nhiễm, ngấm sâu trong cộng đồng. Ngoài lý do thành phố đang xét nghiệm diện rộng, một phần số ca nhiễm mới còn là những người tự test nhanh ở nhà. "Số lượng F0 cộng đồng tăng tức là đã tách được nhiều ca nhiễm. Đây là tín hiệu tốt, giúp ngành y tế nhìn thấy giá trị thật của dịch bệnh để có giải pháp phù hợp", ông nói.
Các chuyên gia đánh giá chiến lược tăng tốc test nhanh để tìm F0 cộng đồng là đang đi đúng hướng để biết dịch bệnh đang ở đâu. Ngoài ra, nếu bỏ sót số F0 này, chỉ cần vài ngày sau con số lây nhiễm sẽ gấp nhiều lần.
Về vấn đề này, bác sĩ Lương Trường Sơn phân tích, tỷ lệ dương tính trên số xét nghiệm trong những ngày qua tương đương nhau, chứng tỏ nguồn lây luôn có sẵn và lây lan liên tục ở mọi nơi trong thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc ngành y tế "chưa kiểm soát được dịch bệnh". Chỉ khi số lượng người nhiễm giảm xuống dần đều và 100% được phát hiện từ cộng đồng (có thể là thụ động và chủ động), lúc đó chiến lược mới thành công, đúng với nguyên tắc xuyên suốt là "chung sống an toàn với Covid-19 như cúm mùa. "Có thể một, hai tuần nữa sẽ làm được, tùy thuộc vào vấn đề ổn định xã hội, ổn định tâm lý cộng đồng", ông dự đoán.
Giữ quan điểm xuyên suốt từ khi dịch bệnh bùng phát tại TP HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng ngành y tế nên tận dụng thời gian siết chặt giãn cách hiện nay để thực hiện song song test nhanh truy tìm F0 và tiêm vaccine. "TP HCM là trung tâm giao thương cả nước, mật độ dân số đông. Nếu chỉ test nhanh mà không chích ngừa thì khi hết giãn cách, dịch có thể bùng phát trở lại", ông Khanh nói.
Hiện, TP HCM ghi nhận 209.921 ca nhiễm (tính từ đợt dịch thứ tư, ngày 27/4), trong đó 104.844 người đã xuất viện (cộng dồn từ 1/1 đến nay). Thành phố đang điều trị 40.259 bệnh nhân; trong đó có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 người đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Với tỷ lệ số ca dương tính chiếm 3,8% tổng số xét nghiệm, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nhận định số ca mắc trong cộng đồng ở mức cho phép - nghĩa là thấp hơn 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO về tỷ lệ dương tính trong cộng đồng.
Tính đến ngày 28/8, TP HCM đã tiêm là 5.865.276 mũi vaccine, trong đó tổng số mũi một là 5.577.285, mũi hai là 287.991. Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành y tế đã lưu trữ dữ liệu của những người đã tiêm mũi một, sẽ thông báo cho họ khi đến thời hạn tiêm mũi hai.