Theo đó, phát hiện có 15 cửa hàng cần di chuyển, dỡ bỏ do không đủ điều kiện kinh doanh. Hiện Sở Công Thương đang gửi văn bản lên UBND thành phố để lấy ý kiến, sau đó mới có phương án cụ thể với các đơn vị kinh doanh xăng dầu này, một lãnh đạo của Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Việc kiểm tra các cây xăng trên địa bàn Hà Nội được thực hiện rốt ráo sau vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, đối diện Bệnh viện Quân đội 108 diễn ra đầu tháng 6. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở Công Thương kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/7.
Đồng thời, đề xuất phương án di chuyển, loại bỏ các cửa hàng không nằm trong quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu đã được phê duyệt hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, trong đợt kiểm tra hồi tháng 5, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 7 trên tổng số 26 đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm, xử phạt hành chính 53 triệu đồng. Trong đó, 2 vụ vi phạm hóa đơn chứng từ, 3 nơi không đáp ứng điều kiện kinh doanh và 2 vụ liên quan tới phòng cháy chữa cháy.
Liên quan đến việc sửa Nghị định 84 ngày 16/10/2009 về kinh doanh xăng dầu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ trong tháng 9/2013. Trong dự thảo lần 4 đã được Bộ Công Thương công bố, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu sẽ là 10 ngày (tối thiểu đối với tăng giá và tối đa với giảm giá). Khi giá xăng dầu thế giới tăng làm giá cơ sở biến động trong phạm vi 5%, thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ. |
Huyền Thư