Theo UBND TP, việc tăng giá là cần thiết bởi khung giá viện phí hiện nay đã quá lỗi thời. Khung giá hiện nay được xây dựng dựa trên cơ sở giá tính từ thời điểm 1995 đến nay đã 18 năm. Việc tiếp tục duy trì khung giá cũ khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không thể đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ.
Mức giá được xây dựng trên cơ sở có lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế... Cụ thể, đợt này UBND TP đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó, điều chỉnh giá 5 dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ ngày giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật; 333 phẫu thuật, thủ thuật…
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, hàng năm các đơn vị y tế phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, bàn ghế…
Chủ trương tăng viện phí sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa 14 khai mạc vào ngày 1/7. Hiện nay đã có 61 tỉnh, thành điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo khung giá mới, chỉ còn lại Hà Nội và TP HCM.
Từ tháng 3, liên bộ Y tế - Tài chính đã nhất trí điều chỉnh giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập, thay cho giá ban hành từ năm 1995 và năm 2006 đã lạc hậu. Mức giá mới sẽ do Bộ Y tế quy định - đối với bệnh viện tuyến Trung ương, và do cấp tỉnh quy định - đối với cơ sở y tế địa phương.
Thay đổi giá viện phí lần này ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, chứ không liên quan đến khám dịch vụ. Theo đó, tiến tới người dân sẽ đóng bảo hiểm y tế cao hơn, nhưng bù lại khi đi khám chữa họ sẽ được phía bảo hiểm chi trả nhiều hơn, và cho nhiều loại hình dịch vụ hơn.
Hà An