Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng, đó là một cảm xúc bậc cao. Nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Còn theo tôi, có nhiều yếu tố cấu thành nên cảm giác hạnh phúc: sự an toàn, cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân, vật chất, quyền lực, sự tôn trọng, được làm những gì mình yêu thích... Mỗi cá nhân khác nhau nên vai trò của từng yếu tố cũng khác nhau. Nhưng cơ bản, khi chúng ta có càng nhiều, nhất là yếu tố mà chúng ta thấy là quan trọng thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc.
Chúng ta luôn học tập hăng say, lao động miệt mài nhưng cái đích mà chúng ta hướng tới là hạnh phúc. Chúng ta chinh phục người mình yêu, rồi lập gia đình cũng chẳng phải vì muốn hạnh phúc hay sao? Khi tôi hỏi các cặp vợ chồng son: "Các bạn mong mỏi điều gì nhất trong đời sống hôn nhân?". Hầu hết họ đều trả lời giống nhau: "hạnh phúc".
Có người hạnh phúc khi có thật nhiều tiền, địa vị, danh vọng, nhưng đối với một số người thì hạnh phúc là khi thấy những người xung quanh hạnh phúc. Thông thường thì khi chúng ta càng lớn thì ngưỡng hạnh phúc cũng cao hơn. Người lớn được tặng một cái áo đã hạnh phúc trào dâng thì họ lớn xác chứ chưa lớn về tâm lý. Một người được sếp tới thăm nhà mà mang ân huệ cả đời gắn bó thì họ chưa thực sự trưởng thành.
Dĩ nhiên, tôi không cổ xúy cho tính vô ơn. Nhưng tôi muốn nói hành động tặng áo chỉ có ý nghĩa là cái áo tặng. Và việc sếp tới thăm nhà thì chẳng hơn việc thăm lại nhà sếp. Hãy đặt cái tôi cá nhân đúng ở vị trí cần có của nó. Khi chúng ta còn nhỏ, ngưỡng hạnh phúc cũng rất thấp. Đôi khi chỉ là cái kẹo miếng bánh đã làm chúng ta sướng tê người. Chúng ta lớn hơn thì ngưỡng hạnh phúc cũng lớn dần. Với những vị tỷ phú, nhà khoa học thì ngưỡng này càng cao hơn, trong họ là sự thôi thúc cần phải làm những gì để lại cho nhân loại.
Vấn đề nằm ở chỗ cảm giác hạnh phúc của chúng ta là giống nhau, nhưng ngưỡng hạnh phúc lại khác nhau. Cảm giác hạnh phúc của nhà vua khi được ăn đủ mọi sơn hào hải vị và cảm giác người ăn xin có được cái bánh bao là giống nhau. Có những người chỉ vì một chức vô địch "ao làng" đã lột cả áo ăn mừng. Nhưng cũng có những người thấy đội tuyển vô địch Olympic mà không thấy gì. Bởi bóng đá chỉ là một môn thể thao, còn biết bao môn khác. Thể thao cũng chỉ là một khía cạnh của cuộc sống, còn bao nhiêu thứ mà chúng ta chưa biết. Vậy thì có gì để phấn khích? Vô địch thì vui nhưng đừng vui quá.
Nếu chúng ta hạ ngưỡng hạnh phúc xuống thì sẽ vẫn cảm thấy vui khi không cần coi trực tiếp trận Quyền Anh đỉnh cao, sở hữu siêu xe, ngôi nhà rộng... Bù lại, cảm giác ấy vẫn có khi chúng ta chỉ cần một bữa ăn đủ chất, chiếc xe tiện cho việc đi lại... Nếu so sánh với việc trả lương ngất ngưởng với việc hạ ngưỡng hạnh phúc thì việc tra tấn tinh thần trở nên quá dễ dàng.
Nếu ngưỡng hạnh phúc được thỏa mãn, chúng ta sẽ không có trộm cắp, xã hội sẽ yên bình, không có chiến tranh, không có nước nào muốn làm bá chủ thế giới... Nhưng ngược lại ngưỡng hạnh phúc thấp cũng làm chúng ta không có động lực phấn đấu. Một sinh viên công nghệ ra trường đã được nhận vô một công ty quốc tế và hài lòng với mức lương và chính sách của doanh nghiệp. Vậy là người này sẽ sống mãi trong giới hạn bản thân - "vùng an toàn".
Một đất nước với ngưỡng hạnh phúc thấp sẽ không có động lực đấu tranh cho cái đáng lý phải thuộc về mình.
Thế nên mới nói rằng, hạnh phúc là cho đi, là một hành trình chứ không phải đích đến.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.