Các nhà nghiên cứu Hà Lan đang phát triển những vật liệu có khả năng tự lành, tập trung vào hai vật liệu cơ bản cho cơ sở hạ tầng là bê tông và nhựa đường, Tech Times hôm 8/5 đưa tin.
Nhựa đường được sử dụng để rải bề mặt đường bởi dễ trải, có cấu trúc xốp và tạo thành bề mặt cứng khi nguội. Tuy nhiên, nhược điểm chính của nhựa đường là vật liệu này kém bền và mặt đường rất nhanh nứt nẻ, xuất hiện ổ gà lớn.
Theo Erik Schlangen, nhà khoa học vật liệu ở Đại học Delft, Hà Lan, nhựa đường tự vá lành có thể là giải pháp giúp đường nhựa trở nên an toàn và bền vững hơn.
Loại nhựa đường đã qua điều chỉnh do nhóm Schlangen sáng tạo chứa những sợi thép nhỏ có tính dẫn điện. Việc chạy máy điện cảm ứng qua lớp nhựa đường sẽ làm vật liệu nóng lên và cả cỗ máy đóng vai trò như một chiếc nam châm cho những sợi thép kết lại với nhau và sửa chữa vết nứt trên mặt đường. Nói cách khác, mặt đường nhựa chỉ có thể tự vá lành nếu sử dụng máy điện cảm ứng, nhưng cách làm này gọn nhẹ và dễ thực hiện hơn so với các phương pháp sửa đường hiện nay.
Các nhà khoa học thử nghiệm nhựa đường tự vá lành trên 12 con đường ở Hà Lan. Schlangen cho biết những con đường nhựa sẽ ở trong tình trạng tốt trong vòng 7 - 10 năm.
Schlangen ước tính loại nhựa đường tự vá lành đặc biệt có chi phí cao hơn 25% so với nhựa đường thông thường, nhưng về lâu dài đây là giải pháp rất tiết kiệm vì nó giúp tăng gấp đôi tuổi thọ con đường. Theo một ước tính, Hà Lan có thể tiết kiệm 98 triệu USD mỗi năm nếu sử dụng nhựa đường tự vá lành cho tất cả đường phố.
Phương Hoa