Trong dự án, nhóm nghiên cứu đến từ các trường Đại học Cardiff, Đại học Bath và Đại học Cambridge, Anh, sẽ kiểm tra các công nghệ trong bối cảnh thực tế lần đầu tiên. Mục đích của họ là tạo ra một hệ thống phát hiện hư hại và tự sửa chữa mà không cần sự can thiệp của con người.
Những thử nghiệm diễn ra tại công trường xây dựng của công ty Costain ở đường Heads of the Valleys Road (A465) thuộc quận Blaenau Gwent.
"Chúng tôi hướng đến tạo ra một hệ thống bền bững và dễ phục hồi, có thể liên tục theo dõi, điều chỉnh, thích ứng và sửa chữa mà không cần con người can thiệp. Những vật liệu tự vá lành và kết cấu thông minh này sẽ giúp tăng cường đáng kể độ bền, cải thiện an toàn cũng như giảm chi phí bảo dưỡng tiêu tốn mỗi năm", BBC hôm 28/10 dẫn lời giáo sư Bob Lark, nhà nghiên cứu chính của dự án Vật liệu cho đời sống.
Tính riêng năm 2014, chi phí ước tính để sửa chữa những con đường tại Anh và xứ Wales tăng cao tới 18,5 tỷ USD. Nhằm cắt giảm cho phí này, nhóm nghiên cứu đã xây 6 bức tường bê tông ứng dụng những kỹ thuật khác nhau ở khu vực thử nghiệm.
Nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm vật liệu thông minh làm từ polymer có khả năng trở về hình dáng cũ sau khi xuất hiện kích thích ngoại cảnh để sửa chữa những vết nứt lớn.
Với kỹ thuật thứ hai, họ sẽ bơm các chất tự vá lành vô cơ và hữu cơ qua một mạng lưới những đường ống bên trong lớp bê tông để khắc phục hư hại.
Trong kỹ thuật thứ ba, các nhà nghiên cứu đưa những viên con nhộng nhỏ chứa vi khuẩn cùng chất tự vá lành vào lớp bê tông và chúng sẽ phản ứng khi hiện tượng nứt gãy xảy ra.
Sau một thời gian, nhóm nghiên cứu sẽ xếp các tấm bê tông ở những góc khác nhau để tạo nứt gãy và theo dõi hiệu quả của mỗi kỹ thuật.
"Chúng tôi sẽ theo dõi những đặc điểm như độ cứng, khả năng hút thấm và phục hồi sau hư hại của những bức tường thử nghiệm so với tường bê tông gia cố kiểu truyền thống", Oliver Teall, một kỹ sư dân sự ở Costain, cho biết.
Phương Hoa