Chuyến bay từ TP HCM đi Hà Nội của Hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines tiếp tục lỗi hẹn cất cánh trong ngày hôm nay. Tiền vẫn được coi là nguyên nhân chính khiến ông chủ Hà Hùng Dũng dù khát vọng nhiều, say nghề lắm vẫn không thể thực hiện lời hứa bay. Và khoản tiền 400 tỷ đồng mà các cổ đông hứa rót vào Indochina Airlines đến thời điểm này vẫn chỉ là lời hứa trên giấy tờ.
Indochina Airlines không còn chiếc máy bay nào. Ảnh: nongnghiep. |
Ông Tổng Hà Hùng Dũng một lần nữa bị đẩy thế bất đắc dĩ "hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều", dù cách đây vài ngày, ông nói "chắc như đinh đóng cột" với VnExpress.net rằng: "Indochina Airlines vẫn tiếp tục bay".
Như vậy, đây là lần thứ 10 liên tiếp, Indochina Airlines hoãn kế hoạch bay với nhiều lý do khác nhau - khi thì thiếu tiền, bảo dưỡng máy bay, nợ tiền xăng, lúc lại muốn chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch bay, bán vé, đàm phán với đối tác để nối lại các dịch vụ... Nhưng mấu chốt lại thì ở thời điểm này chỉ có tiền mới giải quyết mọi vấn đề cho hãng.
Có ít nhất 2 lãnh đạo cấp cao, cùng với nhiều nhân viên thuộc mọi bộ phận đã ngậm ngùi chia tay Indochina Airlines để đi tìm công việc mới. Những người còn lại, quyết tâm bám trụ tại công ty cũng chỉ biết chờ đợi và hy vọng ông chủ Hà Hùng Dũng có động thái tiếp theo để máy bay có thể cất cánh. Một nhân viên hãng nói với VnExpress.net rằng: "Dù yêu quý ông chủ hãng nhưng họ vẫn phải ra đi vì nhu cầu mưu sinh. Khi nào Indochina Airlines khởi động, chúng tôi sẽ quay về".
Thế nhưng, theo thông tin từ phía nhà chức trách sân bay thì đến thời điểm này, chưa có bất kể dấu hiệu nào cho thấy Indochina Airlines sẽ bay. Trang web bán vé indochinaairlines.vn tiếp tục trong tình trạng đóng cửa để bảo trì. Máy bay không có, nhân viên "tản mát" khắp nơi, đại lý cũng hoang mang vì chưa thu hết tiền đặt cọc... Trong khi đó, thời hạn rút thương quyền bay đã hết. Giấy phép bay có thể gia hạn thêm cũng chỉ duy trì được khoảng vài tháng nữa.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến các cổ đông chần chừ chưa chịu rót vốn vào Indochina Airlines có thể xuất phát từ những dự đoán không mấy khả quan về thị trường hàng không; nền kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng; chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ hãng sẽ hoạt động hiệu quả và có lãi... "Trong bối cảnh thị trường hàng không nhìn đâu cũng thấy khó, khâu nào cũng thấy phát sinh chi phí... dù các cổ đông trường vốn đến mấy cũng không tránh khỏi những đắn đo", một chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không nói.
Trên thực tế, năm 2009, khủng hoảng và suy thoái bị coi là thủ phạm khiến cho nhiều hãng hàng không trên toàn cầu lao đao. Hàng loạt hãng hàng không thế giới tiếp tục tuyên bố phá sản, cắt giảm nhân lực, giảm chi phí, ngừng mở đường bay hoặc sáp nhập để tồn tại. Điều này không nằm ngoài dự đoán của Hiệp hội Hàng không Quốc tế IATA rằng trong năm 2009, hơn 200 thành viên có nguy cơ lỗ 5 tỷ USD.
Tại thị trường trong nước, suốt nửa năm ròng, Hãng giá rẻ Jetstar Pacific duy trì hoạt động trong tình trạng càng bay càng lỗ. Hai tháng trước, hãng tuyên bố bắt đầu có lãi, song lại vướng phải những tranh cãi về thương hiệu và biểu tượng của hãng hàng không giá rẻ Australia - Jetstar Airways mà hãng đang sử dụng. Hiện tại, Jetstar Pacific đang ở trong tình trạng "giám sát đặc biệt" vì những vấn đề liên quan đến an toàn hàng không, mức lương được cho là quá cao mà lãnh đạo hãng được hưởng trong thời gian công ty làm ăn thua lỗ.
Đại gia Vietnam Airlines đang chiếm thị phần khống chế trên thị trường nội địa, sau khi chắt bóp, cắt giảm chi phí, lấy chỗ nọ bù chỗ kia chỉ lãi được 150 tỷ đồng. Con số này được coi là cao so với lĩnh vực hàng không lúc này song lại là mức khiêm tốn so với nhiều ngành nghề khác.
Trong bối cảnh như vậy, việc có mặt của Indochina Airlines trên thị trường hàng không bị cho là liều lĩnh và thiếu cả 3 yếu tố thiên thời - địa lợi và nhân hòa. Cánh cửa hàng không tư nhân được giới chuyên gia nhìn nhận là "chưa kịp mở đã vội khép".
Những gì mà Indochina Airlines gặp phải được coi là bài học để các hãng tư nhân khác như Vietjet Air, Mekong Air thận trọng hơn khi muốn tham gia thị trường. Hàng không một lần nữa được giới chuyên gia nhìn nhận là một thị trường cạnh tranh khốc liệt và nghiệt ngã nhất mà bất kể doanh nghiệp nào vốn mỏng, thiếu kinh nghiệm đều có thể bị ngã ngựa.
Indochina Airlines là hãng tư nhân đầu tiên dám mạnh dạn khởi động đường bay thương mại. Thế nhưng, suốt một năm qua, hãng gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hoạt động kinh doanh, vốn, con người cũng như máy bay. Đầu tiên là cái tên "Tăng Tốc" khi viết theo tiếng Anh rất khiến người ta đọc chệch thành "Tang Tóc" đã khiến ông chủ Hà Dũng phải đau đầu tìm đến cái tên mới Indochina Airlines. Chưa hết, hãng khởi động đường bay vào đúng thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng sâu, lượng khách đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh. Chỉ chưa đầy 7 tháng hoạt động, hãng đã phải tiết giảm chi phí bằng việc trả một chiếc máy bay trong đội bay 2 chiếc. Và đến đầu tháng 9, hãng tiếp tục ngừng khai thác đường bay TP HCM đi Đà Nẵng để tập trung toàn lực cho chặng còn lại TP HCM - Hà Nội. Đến ngày hôm nay thì Indochina Airlines đã không còn chiếc máy bay nào. |
Hồng Anh