- Chị nghĩ thế nào về vấn đề chèn ép cát-xê trong giới mẫu?
- Thực ra làm nghề gì cũng vậy, nếu không có hợp đồng pháp lý rõ ràng, không tìm hiểu rõ đối tượng làm việc cùng thì chuyện phía kia trả tiền lương nhập nhằng là điều dễ xảy ra. Tôi không bao giờ làm điều gì nếu thiếu hợp đồng, dù đối tác là bạn bè. Đó là cách bảo vệ mình cũng như tình bạn hay bất kể mối quan hệ nào. Đối với những người mẫu trẻ, các em chưa hiểu biết điều này. Ai gọi đi diễn các em cũng đi, khi thì vì ý thích, lúc để tăng tiếng tăm, có khi lại vì cả tin vào bạn bè giới thiệu. Từ đó việc bị "nợ" dài dài rồi quên hẳn cũng rất dễ xảy ra.
Thực ra cái "trăm sự cát-xê" nó cũng rắc rối. Khách hàng là thương hiệu lớn sẽ thông qua agency (đại lý) quảng cáo hay sự kiện để thuê người mẫu. Những agency có tên tuổi sẽ ký hợp đồng có các thể lệ trả tiền và thời hạn đàng hoàng với người mẫu. Đôi lúc bạn bị nhận lương chậm là do khách hàng chưa trả hết cho agency. Nhưng một khi đã có hợp đồng, đa số agency lớn không việc gì phải quỵt tiền của người mẫu.
Tuy nhiên, nếu các agency ký hợp đồng thông qua một trung gian khác, ví dụ người quen hay quản lý riêng của người mẫu, thì rủi ro càng lớn.
- Chị thấy “ba-rem” tiền lương của người mẫu hiện tại xứng đáng với bao nhiêu phần trăm công sức bỏ ra?
- Làm công việc sáng tạo trong bối cảnh nghệ thuật chưa được coi trọng lắm thì dĩ nhiên, đòi hỏi sự xứng đáng là... vô cùng. Thời trang còn là một thứ quá mới lạ, phần nào phù phiếm trong mắt đa số. Làm người mẫu chụp một bộ hình vất vả thật, nào là thức dậy sớm tinh mơ, leo cây, vùi cát, đứng nắng... Nhưng người nông dân cũng vậy. Biết ai khổ hơn ai? Xét về độ dày công khổ luyện thì một nhạc công hay diễn viên múa, họ học tập khổ luyện cả chục năm, vẫn phải đi diễn vài trăm nghìn, thì ai may mắn hơn ai?
Tôi nghĩ, cái gì cũng có thời điểm của nó. Thời trang trong nước mới đang chập chững phát triển, chưa thể coi là ngành công nghiệp, thế nên làm sáng tạo trong hoàn cảnh này phải chấp nhận, không thể nhìn vào nước ngoài mà "tỵ" với họ.
- Hình ảnh bóng bẩy của giới mẫu thường dẫn đến những quan điểm thị phi về nghề này. Chị lý giải thế nào?
- Công việc của người mẫu là quảng bá cho thương hiệu hay các sản phẩm, dịch vụ. Chúng tôi mặc quần áo đắt tiền hay đi xe đẹp, bởi được trả tiền để làm việc. Nhiều người lầm tưởng những món đồ ấy thuộc quyền sở hữu của người mẫu, thực ra không phải.
- Do tuổi nghề có hạn, lại quen tiêu xài thoải mái, người mẫu dễ dính vào quan hệ "đại gia - chân dài". Chị nghĩ sao?
- Đó là điều dễ hiểu nhưng không phải là điều dĩ nhiên. Có những người tôi biết họ làm nghề chỉ để kiếm tấm chồng danh giá, nhưng cũng có nhiều người mẫu khác vẫn bươn chải, vất vả để tự vươn lên. Tôi tôn trọng người dám chịu khó và đi lên bằng đôi chân mình, nhưng cũng không phản đối những người không đi theo quan điểm này.
Rốt cuộc, là phụ nữ, dù làm nghề nào cũng muốn có người chồng vững chãi về kinh tế để có thể chăm lo cho gia đình. Chỉ có điều việc đánh đổi bằng mọi giá để có được tiền, chưa chắc sẽ đem lại hạnh phúc. Phụ nữ, sau khi có rất nhiều tiền sẽ khát khao tình yêu, sự quan tâm, thuỷ chung. Tiền bạc chỉ quan trọng khi người ta còn thiếu nó. Phụ nữ dù may mắn, có chồng dù giỏi giang đến đâu vẫn nên chủ động có sự nghiệp, cuộc sống riêng của mình.
- Người mẫu trẻ nên làm cách nào để “nói không” với cám dỗ?
- Có gì đâu mà khó vậy? Đại gia họ cũng là đàn ông bình thường chứ có phải yêu tinh quỷ dữ gì đâu? Họ mời bạn đi chơi, bạn đồng ý thì mới đi chứ ai ép buộc. Họ đề nghị, hay tặng quà, bạn có quyền nhận hay từ chối cơ mà? Còn để nói không, đầu tiên bạn phải không cần những gì họ đề nghị. Bạn có thể tự kiếm được tiền, hay cũng không quan trọng việc phải tiêu pha xa hoa... thì từ chối cũng chẳng khó. Họ đã giàu có, nhất định một mặt nào đó sẽ thông minh. Người đàn ông thông minh lại giàu có không bao giờ cưỡng ép một phụ nữ từ chối anh ấy.
- Bài học rút ra cho những người mẫu trẻ tại Việt Nam sau câu chuyện quỵt tiền cát-xê, theo chị, là gì?
- Không ai có thể ép ai làm điều họ không muốn, đã chấp nhận làm nghề thì nên bươn chải, học hỏi và vươn lên trong điều kiện cho phép. Nếu một người mẫu diễn một show 1 triệu, 2 triệu, hay 500.000 đồng, mỗi tháng kiếm được 5 tới 10 triệu đồng cũng tương đương với một nhân viên văn phòng. Vất vả hơn? Không chắc! Bảo tôi ngồi văn phòng hàng ngày tôi cũng không thể ngồi! Mỗi tội người mẫu trẻ bị sức ép, họ cho rằng đã là người mẫu là phải người đón kẻ đưa, đồ hiệu phủ đầy, lấy đâu ra?
Thời tôi làm người mẫu ở thị trường quốc tế, việc cả hội ngồi than phiền ít việc, thậm chí tìm việc làm thêm vào mùa nghỉ lễ là bình thường. Quần áo họ mặc cũng giản dị, áo thun, quần jeans, đi ủng, mặt để tự nhiên, đeo kính không thương hiệu đi casting, rồi đi bộ, xe buýt, tàu điện ngầm đi làm... chứ làm gì có kẻ đưa người đón. Vậy nên, người mẫu nói chung và người mẫu trẻ nói riêng nhiều khi phải làm việc trong điều kiện chưa tốt, tiền cát-xê chưa xứng đáng. Điều này cũng làm tôi trăn trở bấy lâu nay. Nhưng quan trọng hơn là đừng ảo tưởng về nghề quá lớn, dẫn đến việc tạo sức ép cho chính mình.
Thành Trương thực hiện