Rất nhiều dữ liệu cho thấy nước Mỹ vẫn sa lầy trong cuộc suy thoái nghiêm trọng đã kéo dài 2 tháng nay, với kinh doanh tổng thể giảm, sa thải tăng, dù có chậm hơn so với những tuần đầu của khủng hoảng Covid-19. Các dự báo hiện cho rằng, GDP sẽ giảm 6-7% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai chữ số còn duy trì một thời gian.
Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế không còn tệ hơn mà thậm chí có thể được cải thiện.
"Nếu đây là làn sóng duy nhất của đại dịch, có vẻ như chúng ta đã chạm đáy và quá trình bình thường hóa đã bắt đầu", ông Beth Ann Bovino, Nhà kinh tế trưởng về thị trưởng Mỹ tại S&P Global Ratings, nhận xét.
Chi tiêu cho khách sạn, nhà hàng, hàng không và các ngành công nghiệp khác bị tổn thương bởi giãn cách xã hội vẫn còn thấp, nhưng dường như đang vực dậy. Số lượng khách du lịch đi qua các trạm kiểm tra an ninh của Cơ quan An ninh Giao thông là 87.534 vào ngày 14/4, thấp hơn 96% so với cùng 2019. Nhưng vào ngày 24/5, con số đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt 267.451, dù vẫn giảm 87% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dữ liệu từ công ty đặt chỗ nhà hàng trực tuyến OpenTable cho thấy thực khách đang bắt đầu quay trở lại.
"Chúng ta đã vượt qua được đỉnh tổn thương", ông Gregory Daco, Nhà kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, cho rằng với các chỉ số tăng trưởng cho thấy người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. "Ta có thể thấy thay đổi dữ liệu rất đáng khích lệ", ông nói, "nhưng cần nhớ rằng chúng ta đang hồi phục từ mức cực kỳ chán nản".
Ngành vận tải minh họa cho xu hướng này. Các con số vẫn còn thấp so với thông thường nhưng có dấu hiệu khả quan. Truckstop.com, chuyên đo lường nhu cầu trong thị trường vận tải, cho biết chỉ số hàng tuần của họ được cải thiện trong 4 tuần liên tiếp và nhu cầu tăng 27% trong tuần kết thúc vào ngày 18/5.
Old Dominion Freight Line, một trong những hãng xe tải lớn nhất ở Mỹ, cho biết khối lượng vận chuyển giảm mạnh vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, CEO Greg Gantt nói nhu cầu vẫn ổn định. "Có vẻ như những điều tệ nhất đã qua", ông nói.
Chính quyền Trump cũng có đánh giá tương tự. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nói rằng có những dấu hiệu sơ khởi cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi sau những thiệt hại do ngừng hoạt động vì Covid-19. Dù vậy, ông nói tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng trên 20% vào tháng 5/2020.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta rất gần với bước ngoặc phục hồi hoạt động kinh doanh, và có lẽ việc làm thì cần một tháng nữa để đến đỉnh", ông nói.
Đầu tháng 4 đánh dấu đáy suy giảm của thị trường bất động sản mùa dịch, theo dữ liệu từ DisplayTime, một nhà cung cấp phần mềm bất động sản. Khi các thành phố trên khắp nước Mỹ đóng cửa, nhu cầu của người mua đã giảm gần 50% vào giữa tháng tư. Tuy nhiên, đến giữa tháng này, thị trường đã phục hồi, tăng 27% tính đến 24/5. Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Ngân hàng thế chấp cho thấy sự phục hồi gần đây trong các đơn xin vay mua nhà.
Justin Fichelson, một đại lý bất động sản ở San Francisco, cho biết thị trường đã đi vào bế tắc vào giữa tháng 3 nhưng hoạt động bắt đầu cải thiện sáu tuần sau đó. "Mọi người đã dành nhiều thời gian ở nhà hơn bao giờ hết", ông nói nhờ vậy mà họ nhận ra cần một nơi tuyệt vời hơn để gọi là nhà. Có người còn muốn chỗ ở mới với phòng làm việc và phòng tập thể dục. Bên cạnh đó, lãi suất thấp đang thu hút những người mua nhà lần đầu.
Các nhà sản xuất ôtô đã nối lại hoạt động tại hầu hết nhà máy tuần trước, dù phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều bang như Florida, Georgia và Ohio đã dần mở cửa lại hoạt động kinh doanh. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, khi họ sẵn lòng đến các nhà hàng và cửa hàng.
Những dấu hiệu hy vọng này còn đến cùng lúc với quyết định tăng chi tiêu khẩn cấp từ Quốc hội, số ca mắc Covid-19 mới giảm và việc dần mở lại hoạt động tại tất cả 50 bang. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế vẫn không chắc chắn.
Tác động của viện trợ chính phủ như trợ cấp thất nghiệp có thể giảm bớt trong những tháng tới. Các quan chức Fed cảnh báo tình hình có thể xấu đi một lần nữa nếu đợt bùng phát thứ hai xuất hiện khi nhiều người Mỹ ra khỏi nhà và trở lại cuộc sống bình thường hơn.
Chi tiêu tiêu dùng đóng góp đến hai phần ba tăng trưởng cho kinh tế Mỹ. Triển vọng của nó xoay quanh việc các doanh nghiệp đã cắt giảm hàng triệu việc làm kể từ giữa tháng 3 giờ có khả năng thuê người trở lại khi kinh tế mở cửa. Mọi người có khả năng chi tiêu nếu họ có lương ổn định và cảm thấy an toàn về kinh tế.
Nhìn chung, việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa trở lại nhanh như thế nào, liệu người tiêu dùng có cảm thấy thoải mái khi mạo hiểm hay không và liệu một đợt virus thứ hai có tấn công hay không.
Khoảng 2,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần cho đến ngày 16/5, giảm từ mức kỷ lục gần 7 triệu người vào tuần cuối tháng 3, theo dữ liệu của Bộ Lao động. Số người nhận trợ cấp trong tuần kết thúc vào ngày 9/5, đã tăng lên 25,1 triệu từ 22,5 triệu một tuần trước đó.
Mất việc thường tồn tại trong nhiều tháng sau khi phục hồi bắt đầu. Cuộc suy thoái 2007-2009 kết thúc vào tháng 6/2009. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã không đạt đỉnh cao cho đến nhiều tháng sau đó, ở mức 10% vào tháng 10/2009 và duy trì ở mức trên 9% trong gần hai năm nữa.
Chủ tịch Fed tại New York John Williams nói rằng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong tháng 4/2020 là 14,7% - mức cao nhất kể từ Đại suy thoái - "là con số tôi hy vọng sẽ không bao giờ nhìn thấy trong đời, và một điều chắc chắn là nó sẽ còn tệ hơn trước khi tốt hơn".
Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh tế nói chung, "chúng tôi thấy một số tín hiệu tích cực trong chi tiêu hộ gia đình, trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán", chuyên gia kinh tế Constantine Yannelis của Đại học Chicago, người từng làm việc tại Bộ Tài chính thời chính quyền Obama, đánh giá.
"Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể dự đoán liệu những điều đó sẽ tiếp tục và đây sẽ là một sự phục hồi hình chữ V hay đây là một sự trầm cảm kéo dài. Thực sự, câu trả lời cho điều đó sẽ đến từ tình hình sức khỏe người dân", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)