Tiến sĩ Sung Hou-mei, quản lý Nghệ thuật Đông Á ở Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật cổ đại sưu tập từ năm 1961 và chú ý tới một chiếc gương thế kỷ 16 với những ký tự tiếng Trung ở mặt sau, ghi tên Phật A Di Đà. Sung quyết định kiểm tra một giả thuyết và nhờ đồng nghiệp chiếu ánh sáng trực tiếp vào giữa chiếc gương lưu trữ trong nhà kho từ năm 2017, South China Morning Post hôm 25/7 đưa tin.
Ánh sáng phản chiếu từ chiếc gương hé lộ hình ảnh của Phật A Di Đà bao quanh bởi nhiều tia sáng. "Chiếc gương kỳ diệu hình Phật được thiết kế để mang lại sự hy vọng và cứu rỗi. Tôi kiểm tra chiếc gương bởi thông qua nghiên cứu, tôi đã tìm thấy một chiếc gương tương tự", Sung chia sẻ.
Gương kỳ diệu hình Phật hay còn gọi là gương trong suốt hoặc gương thấu quang được chế tác lần đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Hán (năm 202 trước Công nguyên - năm 220). Do khó sản xuất, loại gương này vô cùng hiếm gặp. Bảo tàng Thượng Hải có nhiều chiếc gương từ thời Hán. Nhưng giới nghiên cứu mới chỉ ghi nhận 2 gương kỳ diệu hình Phật, cả hai đều đến từ Nhật Bản, một trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Tokyo và chiếc còn lại nằm ở Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan tại New York.
Theo Thư viện kỹ thuật số UNESCO, những chiếc gương được làm từ đồng và khắc hình ở mặt sau. Mặt phản chiếu ánh sáng có dạng lồi và được đánh bóng. Cuối cùng, người chế tác phủ chất lỏng hoặc bột nhão làm từ thủy ngân để làm nổi bật hình ảnh. Khi giơ chiếc gương trước ánh sáng ở góc phù hợp, đồng phản xạ ánh sáng, hé lộ hình ảnh bí mật như Phật A Di Đà trong trường hợp ở Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati.
Tên Phật A Di Đà khắc ở mặt sau chiếc gương tại Cincinnati có thể là bằng chứng cho thấy chiếc gương có ý nghĩa quan trọng hơn suy đoán trước đây. Theo Sung, nhiều khả năng chiếc gương được sử dụng cho mục đích tôn giáo và gắn liền với lòng tin vào Phật A Di Đà của Tịnh độ tông. Sau khi lấy ra khỏi nhà kho, chiếc gương được trưng bày ở bảo tàng từ ngày 23/7.
An Khang (Theo SCMP)