Hôm 14/3, Bộ Y tế Guinea Xích đạo, quốc gia đang phát triển với diện tích 28.000 km2, nằm ở bờ biển phía tây của Trung Phi, thông báo ca nhiễm nCoV đầu tiên là một phụ nữ 42 tuổi quay về từ thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, nơi khi đó đang là điểm nóng Covid-19 của thế giới. Người này không có triệu chứng gì nhưng được cách ly và theo dõi.
Chính phủ Guinea Xích đạo sau đó tuyên bố một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, trong đó có hạn chế nhập cảnh cả trên đất liền, trên biển và qua đường hàng không. Tất cả các hành khách từ những nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh phải cách ly 14 ngày dù có triệu chứng hay không.
Hôm 22/3, Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, người nắm quyền lãnh đạo từ năm 1979, ra sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực về kinh tế và vật chất cần thiết để kiềm chế Covid-19. Một quỹ khẩn cấp đặc biệt cũng được thành lập và chính phủ cam kết chi 5 tỷ CFA franc (khoảng 8 triệu USD) cho nhiệm vụ này.
Diễn đàn Dầu mỏ và Đầu tư châu Phi dự kiến tổ chức ở thủ đô Malabo vào ngày 1/6 bị hoãn. Bộ Mỏ và Hydrocarbon của Guinea Xích đạo cũng hỗ trợ cho các công ty dịch vụ trong lĩnh vực này nhằm vượt qua khó khăn kinh tế do đại dịch và giá dầu giảm.
Từ giữa thập niên 90, nước này đã trở thành một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất vùng hạ Sahara và là quốc gia có thu nhập tính trên đầu người cao nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, sự giàu có này phân bố không đồng đều với rất ít người dân được hưởng lợi từ nguồn dầu mỏ dồi dào. Năm 2019, Guinea Xích đạo xếp thứ 144 thế giới về Chỉ số Phát triển Con người, trong đó chưa đến một nửa dân số được tiếp cận nước sạch và 20% trẻ em tử vong trước 5 tuổi.
Để hỗ trợ Guinea Xích đạo chống Covid-19, cuối tháng 5, chính quyền Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia y tế đến nước này.
Ngày 24/3, Guinea Xích đạo chỉ ghi nhận 9 ca nhiễm nCoV, tất cả đều là nhập khẩu. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên hơn 700 và đầu tháng 6 lên tới hơn 1.000 ca, trong đó 12 ca tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo quốc gia này đang "chịu ảnh hưởng nặng nề" của Covid-19 và con số trên tuy không lớn so với các quốc gia khác trong khu vực nhưng lại nghiêm trọng với một quốc gia nhỏ chỉ có hơn 1,2 triệu dân như Guinea Xích đạo.
"Với dân số này, chúng tôi ước tính đây là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất về số ca nhiễm", bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại khu vực châu Phi, cho biết khi đó.
Tuy nhiên, giống một số quốc gia châu Phi khác, Guinea Xích đạo không hợp tác trong việc chia sẻ dữ liệu với WHO, do không muốn thừa nhận dịch bệnh hay để lộ hệ thống y tế yếu kém của mình với bên ngoài. Một số quốc gia cũng không thể tiến hành xét nghiệm trên diện rộng do bị tàn phá bởi nghèo đói và xung đột.
WHO cho hay tổ chức này đã hỗ trợ Guinea Xích đạo ứng phó với đại dịch bằng việc giám sát, truy vết tiếp xúc, thực hiện cách ly người nhiễm và nghi nhiễm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, nước này không còn chia sẻ số liệu với WHO, cáo buộc tổ chức này phóng đại con số và yêu cầu người đại diện của tổ chức phải rời khỏi đây.
Guinea Xích đạo chỉ cung cấp dữ liệu định kỳ cho Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi và dữ liệu mới nhất đầu tháng 7 cho thấy số ca nhiễm ở nước này là 3.071, trong đó 51 ca tử vong.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện 219 lao động Việt Nam làm việc tại Guinea Xích Đạo. Bộ Y tế chiều 15/7 cho biết chuẩn bị đón toàn bộ những lao động này về nước, trong số đó có 116 người dương tính với nCoV. Họ là những công nhân và cán bộ quản lý làm việc cho 3 công ty của Việt Nam tại đây. Trong số người dương tính nCoV, có 2 người những ngày trước phải vào phòng hồi sức và thở mặt nạ oxy, hiện đã đỡ, chuyển sang phòng có điều dưỡng theo dõi.
Đại diện nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cho biết "việc đăng ký chuyến bay rất phức tạp". Dự kiến phải mất 10 ngày nữa máy bay mới có thể khởi hành. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ cử nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu đi cùng chuyến bay sang Guinea Xích đạo đón công dân về nước.
Anh Ngọc (Theo Decan Herald, Reuters)