Cõ lẽ tôi và hắn đã quá hiểu nhau rồi, khi hắn nói xong câu này chắc chắn tôi sẽ biết câu nói tiếp theo của hắn. Cứ như thế thời gian trôi qua cho đến một ngày.
Hắn đi chơi với lớp về, vì lớp cuối cấp nên đi suốt từ sáng đến chập tối mới về. Lúc đó tôi rất giận vì việc nhà không có ai làm. Tôi tưởng sẽ có một cuộc chiến bất phân thắng bại giữa tôi và hắn. Nhưng mọi điều lại diễn ra không như kịch bản tôi nghĩ, hắn biểu đau bụng và đi thẳng vào giường nằm.
Tôi cứ nghĩ, chắc tính đẩy hết việc nhà cho tôi làm một mình đây mà. Để mình phải chịu điều bất công ấy, tôi đi thẳng vào giường mắng một trận. Không giống mọi ngày, dù đau, chị vẫn sẽ đánh trả nhưng hôm nay lại khác, chị nằm im tưởng chừng bất động trên chiếc giường. Hai, ba ngày sau vẫn thế, chị cứ nằm im trên chiếc giường chẳng ăn uống được gì cả. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Đến ngày thứ tư khi uống xong hộp sữa, tưởng chừng yên, tôi mừng tượng rồi hắn sẽ sớm hồi phục lại để nhanh chóng reo hò bắt chim, thả cá với tôi. Nhưng không, khoảng ba mươi phút sau hắn ói hết hộp sữa, đi vệ sinh một cách vô thức và gào khóc, linh tính trong tôi như mách bảo rằng có điều không hay sẽ xảy ra. Tôi gọi điện ngay cho ba đưa chị đến bệnh viện tuyến huyện nhưng bác sĩ ở đây không thể chấn đoán được bệnh và bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên ở bệnh viện CuBa (Đồng Hới). Sau 3 tuần dài đằng đẵng với quá nhiều chuyện xảy ra, tôi được ba chở vào thăm hắn .
Không giống như ngày nào khuôn mặt trắng hồng hào, đôi mắt tinh tường và tư thế lúc nào cũng sẵn sàng "hạ gục" tôi, bây giờ da chị lại tái ngắt như không cắt ra giọt máu, đôi môi khô và nứt ra. Chị nằm im trên giường vẻ uể oải và mệt nhọc thể hiện rõ. Trái tim của tôi như thắt lại khi nhìn thấy cảnh đó. Chuỗi ngày tiếp theo đến với tôi như địa ngục vậy, chị bị bệnh rất nặng và phải chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế. Nằm ở khoa Huyết học Trung ương, nghe cái tên thôi đã đủ làm tôi rợn cả tóc gáy. Ở khoa này, các bệnh nhân được điều trị chủ yếu bằng hóa học, có người thì rụng hết tóc, người thì teo tay, teo chân.
Cũng chính những ngày tháng đó mà tình cảm giữa tôi và hắn dần thay đổi. Không phải xưng hô cộc lốc, "tau - mi" thường ngày nữa mà là chị, em. Người chị mà hàng ngày tôi ghét cay, ghét đắng, người chị lúc nào cũng đánh nhau, đá nhau và giành lấy điện thoại của ba để chơi với tôi, bây giờ lại hiện lên thật đầm ấm và dịu dàng, quan tâm đến tôi nhiều mà tôi không hề biết. Từ việc biết tôi yêu thầm một anh chàng cùng lớp nhưng không dám ngỏ lời cho đến việc nói dối ba, mẹ đi học để đi chơi với lũ bạn. Tôi thì không hề hay biết đằng sau con người có vẻ quậy phá, ngang bướng, thích đánh nhau với em gái là con người như thế nào cả.
Chị gái tôi bị bệnh và phải luôn chống cự lại căn bệnh quái ác đó. Việc đối mặt với tử thần diễn ra trong gang tấc, nhưng bên trong con người nhỏ bé đó lại có một nghị lực sống phi thường, chị đã vượt qua bao lần mà tử thần đòi giữ chị ấy ở lại. Mỗi lần như thế tôi lại từ dằn vặt mình chẳng làm được gì để giúp đỡ chị ấy cả. Tôi buồn lắm.
Sau ba tháng điều trị, chi ấy được xuất viện nhưng với điều kiện hai tuần một lần phải trở lại bệnh viện để tái khám. Khi về nhà, dù đang đau nhưng chị vẫn luôn hát hò, trêu chọc tôi như muốn tôi hãy vui lên vậy. Chính những ngày tháng đó làm tôi càng yêu quý chị gái tôi hơn, quý trọng những ngày tháng ở bên cạnh chị tôi. Hay phải chăng, ngay lúc đó tôi đã hâm mộ chính cái lạc quan, hiếu động và nghị lực sống phi thường của chị gái tôi.
Bẵng đi hơn chục năm trôi qua, bản năng viết về cô gái đó hôm nay lại trỗi dậy khi vô tình lướt Facebook và biết về cuộc thi này. Bây giờ cô gái ấy của tôi đã là vợ, đã là mẹ rồi.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và lấy được tấm bằng tốt nghiệp đúng hạn, mặc dù trong người vẫn mang căn bệnh quái ác đó, nhưng cô ấy đã vượt qua. Như một minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi, một mầm non đang cố gắng nhú mầm và hướng mình với những ánh nắng le lói đầu tiên.
Sau khi nghe được thông tin căn bệnh của chị sẽ được điều trị tốt hơn khi thời tiết ít thay đổi, cả gia đình của tôi đã đồng ý cho chị ấy Nam tiến với niềm tin rằng sức khỏe của chị gái tôi sẽ ổn định hơn, sẽ giảm thời gian ăn ngày ngủ đêm ở bệnh viện. Và thật may mắn, căn bệnh đó cũng có ít nhiều thay đổi, chị gái tôi có thể sử dụng thuốc để điều trị, không phải như trước đó, phải thường xuyên chuyền máu, sẽ phải đếm xem còn bao nhiêu tiểu cầu trong người để đi chuyền như trước nữa. Tôi cảm giác như vỡ òa khi nghe tin, vậy là chị gái có thể đi làm, ba mẹ tôi cũng sẽ đỡ vất vả hơn, không phải lo chạy từng đồng một để chị gái tôi điều trị.
Tưởng chừng cuộc sống của chị tôi sẽ gắn với những công việc làm thủ công, làm nhân viên bán hàng để không cần phải sử dụng nhiều trí óc, phải chịu stress vì sợ sẽ ảnh hưởng tới căn bệnh. Đó như là một điều mặc định mà ba mẹ và tôi nghĩ, sau khi nghe lời khuyên, tư vấn của bác sĩ khi chị mắc căn bệnh này.
Nhưng không, một lần nữa chị gái tôi lại làm những điều bất ngờ hơn thế, chị ấy đi làm nhân viên bán hàng cho một shop áo quần khá lớn và đã để dành được một khoản tiền đi học Trung cấp Mầm non 2 năm. Vậy là tương lại chị ấy sẽ làm giáo viên dạy trẻ.
Duyên tới thật bất ngờ năm 2015 chị ấy cưới chồng và sinh em bé, cũng chính giai đoạn này tôi lại suy nghĩ sao ông trời lại lấy nhiều thứ của chị đến như thế. Chính lúc chị mang bầu trong khoảng thời gian chín tháng mười ngày, cho tới lúc chị ấy sinh em bé lại không có chồng bên cạnh. Tôi cũng không dám trách móc, cũng không dám to tiếng, mà đặt câu hỏi vì sao anh rể tôi lại không giành thời gian đó bên cạnh chị tôi. Nhưng như đã sắp đặt, do tính chất công việc với lịch trình công tác dài ngày, bám trụ trên biển đảo quê hương, giữ vững chủ quyền dân tộc. Anh rể tôi không thể ở bên cạnh chăm sóc vợ, con của mình.
Câu chuyện sinh em bé, với một người bình thường đã cần rất nhiều sự chuẩn bị, từ kinh tế, cho tới sức khỏe và tâm lý của người mẹ. Còn với chị gái tôi, việc có em bé tới một cách tự nhiên và chị tiếp nhận điều đó như ông trời ban cho chị một niềm hạnh phúc mới. Ngay từ lúc biết chị gái tôi có em bé cả gia đình đều rất lo lắng, sợ chị không đủ sức khỏe để sinh em bé, sợ em bé sinh ra sẽ nhiễm mầm bệnh từ mẹ. Nhưng dẹp hết tất cả những điều đó chị gái tôi vẫn đi làm, vẫn mang bầu, vẫn duy trì thói quen đi bộ nhiều, vẫn giữ cho mình một tinh thần thoải mái nhất có thể.
![Chị hạnh phúc bên gia đình nhỏ.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2019/11/01/Nguyen-Thi-Van-Anhp16-1168-1572590437.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tfAfTy22WOTk-7nh3i5gGA)
Chị hạnh phúc bên gia đình nhỏ.
Cho tới tầm cuối tháng thứ 4, đầu tháng thứ 5 của thai kỳ. Chị gái tôi nói mình cần đi bệnh viện để thăm khám, tôi biết chắc chắn chị tôi có linh cảm, có điều không hay xảy ra. Chị bắt xe từ Vũng Tàu lên TP HCM để đi thăm khám. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ từng giây phút một trôi qua, hôm đó tôi đang bước vào năm cuối đại học và cũng chính là hôm tôi đang học lớp cảm tình Đảng chuẩn bị xét duyệt vào Đảng, chưa dự đến hết buổi tôi bắt buộc phải xin trưởng ban rời khỏi lớp học vì có chuyện gấp.
Tôi bắt cuốc xe ôm gần trường nhất chạy từ trường qua Bệnh viện Chợ Rẫy đúng lúc chị gái tôi đợi ở bệnh viện 15 phút. Tôi đưa chị đi siêu âm và bác sĩ chẩn đoán, chị bị thiếu máu, và tiểu cầu, bây giờ chỉ đếm bằng số lượng trên đầu ngón tay. Chị bắt buộc phải nhập viện để truyền máu, sau khi có máu, chị sẽ tiếp tục truyền tiều cầu.
Những ngày tháng ở trong bệnh viện chật kín người, dù bầu đã nhô ra khỏi bụng nhưng chị vẫn phải nằm chung giường bệnh với hai bệnh nhân khác. Nước mắt tôi như chực chờ để ứa ra ngay khoảnh khắc đó, nhưng rất may lúc này tình thương và sự yêu mến của mọi người xung quanh, của những bệnh nhân chung phòng, chung giường lại làm tôi phấn khích hơn. Mọi người nhường chỗ, nằm nghiêng mình để có chỗ trống cho chị gái tôi ngả lưng.
Chuỗi ngày tiếp sau đó khi sức khỏe đã dần ổn định, da mặt đã hồng hào hơn, chị gái tôi qua bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra sức khỏe cho em bé, thật may mắn khi thai nhi được chẩn đoán vẫn khỏe. Chị tôi lại tiếp tục bắt xe về Vũng Tàu để làm việc như bình thường.
Nhưng lúc này tai ương chưa dứt, cứ tiếp tục dội xuống chị gái tôi. Cuối tháng thứ 6 của thai kỳ, chị gái tôi bị thủy đậu, rất may lúc đó tôi đã đi thi xong tất cả các môn cho kỳ cuối và về Vũng Tàu chăm sóc cho chị gái tôi. Điều tôi lo nhất lúc này là liệu đứa bé có vấn đề gì không, có ảnh hưởng gì không? Tôi tìm đọc tất cả các tài liệu liên quan trên mạng rất may là khi vào giai đoạn này em bé đã có sức đề kháng nên sẽ không ảnh hưởng tới em.
Tôi nấu nước nóng lau nhẹ những bọc nước đã vỡ và đầu đã khô lại, gội đầu cho chị ấy vì đã cả tuần không được tắm gội không chịu được. Sau khi lau khô tôi lấy tăm bông chấm lên tấm lưng trần chi chít nốt bọc nước chực chờ như vỡ ra cho chị gái tôi. Trong lúc tôi thì có vẻ méo mó, khô cằn thì cô gái ấy vẫn vậy, vẫn hát hò, vẫn gọi điện cho chồng công tác ở xa, để kể về em bé đang làm gì trong bụng mẹ, để bắt chồng hát thật nhiều bài hát cho em bé nghe và không hề buông một lời trách móc hay hờn giỗi "sao lúc này anh không ở cạnh em".
Dường như thủy đậu với chị gái tôi chỉ là "muỗi" so với những gì trước đó chị đã trải qua. Tinh thần vẫn vui vẻ, vẫn lạc quan, vẫn mong chờ ngày em bé cất tiếng khóc chào đời, chờ ngày được ẵm bế, được đưa nôi của chị làm tôi hoàn toàn bị chững lại, bị hạ gục vì sức sống quá nghị lực, quá dẻo dai và quá đỗi cao cả.
Chẳng phải lạ lùng khi những tên cúng cơm của tôi và chị gái cũng thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Thời chăn trâu cắt cỏ như là bộ đôi song hành tung tăng trên mọi chặng đường làng, mẹ thường bảo chị lớn tất đen còn em gái nhỏ là tất đỏ nay đi chăn bò nhé. Là tự giác lịch trình nay mình sẽ chăn, thả bò ở ruộng nào trong làng lại hiện hữu ngay ở trong đầu.
Lớn lên chút xíu nữa, tên gọi ở nhà cũng dần thay đổi cho phổ thông hơn với chúng bạn. Khi mà tuổi của hai chị em đều đã lớn, bắt đầu vào cái độ tuổi xuân mơn mởn, bắt đầu biết e thẹn và ngại ngùng, bắt đầu biết đến tình yêu khác giới thì cái tên của chị em tôi đổi thay mèo em và mèo chị.
Còn bây giờ, khi người con gái, người chị gái mà tôi trân quý đến hết cuộc đời này đã là mẹ, đã là vợ thì tên cúng cơm khi xưa ấy lại nhẹ nhàng chuyển đổi qua một cái tên mới. Cái tên mà tôi cảm giác trưởng thành hơn, chững chạc hơn, trách nhiệm hơn: Vân Chị, Vân Em. Những cuộc gọi qua di dộng với đứa cháu gái răng sún bé bỏng với giọng nghe thật bùi tai: "Dì Anh ơi, dì Anh đang làm gì đấy", làm mình vui sướng đến tột độ. Bên cạnh cô gái răng sún, mẹ cô gái nói với vào: "Dì Vân Em khi nào xuống chơi thăm em kìa". Tôi tự nhủ trong lòng mình rằng, mình có kỳ cụ quá không? Khi vui những niềm vui dân dã một cách giòn tan đến như vậy.
![Chị và cô con gái đáng yêu.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2019/11/01/Nguyen-Thi-Van-AnhP15-8400-1572590437.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zC0IzSkH_61D6xYFRmiejA)
Chị và cô con gái đáng yêu.
Trải qua những chuyển biến trong cuộc đời tôi càng yêu, càng mến, trân quý sức sống dẻo dai, mạnh mẽ, nghị lực sống phi thường của chị gái tôi. Cho dù là trước đó hay hiện tại và sau này tôi vẫn thế, vẫn quý trọng từng giây phút một ở bên cạnh chị gái mình.
Tôi lại tự mường tượng, tự liên hệ với chính bản thân mình và những bạn trẻ. Cuộc sống sẽ cho ta những biến cố, những thăng trầm nhưng thông qua đó chúng ta sẽ được rèn giũa, trui rèn một thái độ sống tích cực và lạc quan hơn.
Đã qua ngày 20/10 rồi, tôi cũng đã kịp gửi lời chúc mừng tới mẹ, tới chị hai, và đến cả Vân Chị của tôi nữa. Bài viết này có lẽ là cách tốt nhất mà tôi muốn thể hiện rõ lòng biết ơn, lòng trân quý và quá đỗi tự hào về người chị gái tuy dáng vóc nhỏ bé, nhưng nghị lực sống lại rất phi thường của tôi. Chúc Vân chị của em luôn vững vàng, sức khỏe ổn định hơn. Và hơn hết luôn sống hết mình, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới mọi người xung quanh.
Yêu Vân Chị, người truyền cảm hứng và là người ảnh hưởng nhiều nhất tới thái độ sống, niềm tin trong cuộc đời của Vân Em.
Nguyễn Thị Vân Anh