Mưa to và nặng hạt dần lên. Nghe nói ngoài khơi đang có bão lớn nên cả đêm ấy nhà tôi không ai ngủ được. Vẻ mệt mỏi lo âu hiện hữu rõ nét trên từng khuôn mặt gầy gò khắc khổ. Mẹ lẩm bẩm cầu trời khấn phật. Ngọn đèn dầu leo lét bị lấn át, bị chèn ép, bị xô đẩy đương cố gắng ngụp lặn trong màn đêm đen kịt. Tiếng mưa vẫn rào rào, gấp gáp, táp nhanh mạnh và dữ dội trên những mái tranh. Từng gàu nước khổng lồ cứ thế đổ thẳng xuống đất này.
Hôm sau, bầu trời u ám đến tệ. Góc trời đỏ sậm, loang lổ một màu như máu huyết đang dần đông đặc lại. Mẹ tôi đứng dưới nền trời ấy. Đôi mắt bị xoáy sâu vào cái vùng sáng xa xăm nào đó ngoài kia. Lũ tràn, sông đỏ ngầu phù sa. Con đê mỏng mảnh như sợi chỉ chờ đứt.
Đó là ngày chị tôi vượt biên.
Con thuyền đánh cá mỏng manh, chòng chành. Nó kiên trì chống chọi đến cùng với sự tàn bạo của cơn bão, mắt thuyền trợn trừng lên dọa sóng dữ. Những miếng ván gỗ cũ ngấm nước biển mặn chát, hòa nhịp cọt kẹt với đinh ốc hoen gỉ.
Chị tôi ngồi đó, kẹt cứng giữa rừng người đang hoảng loạn. Tiếng van xin, tiếng niệm Phật, tiếng cầu kinh, rên xiết. Sự nóng bức, ngột ngạt và cảm giác kinh hãi bị đẩy lên đỉnh điểm khi cái chết đang đủng đỉnh bước đến gần.
Năm ngày, thuyền chạm đất Ma Cao nhưng trại tị nạn đã không còn một chỗ trống. Thất vọng, mệt nhoài, mọi người trên con thuyền đó lại tiếp tục cuộc hải trình trong vô định.
Thói ăn tạp cùng bệnh kiết lỵ đã khiến một người trong đoàn bỏ mạng. Người ta gói cái xác lại, ròng dây thừng rồi thả xuống đáy tàu và hy vọng còn giữ được nắm tro tàn mang về đất Việt.
Chị tôi cập bến Hong Kong vào một ngày mưa. Miếng bánh mì ướt sũng nước được ngấu nghiến ăn trong cái đói quằn quại. Chị bảo đó là miếng bánh mì ngon nhất chị từng nếm để biết mình còn sống.
Chị nhận làm lao công trong trại tị nạn để có thêm sinh hoạt phí. Chỉ một mẩu bánh quy, một chai sữa được phát mà chị ước chi có đàn em nheo nhóc ở đây để nhường nhịn. Tám đứa trẻ. Chị vẫn nhớ như in cái ánh mắt thèm khát của thằng Tam, thằng Hải khi đứng cạnh quang gánh của người đàn bà bán hàng rong. Hau háu và thèm thuồng, rồi chúng tự bảo nhau thôi về nhà chờ mẹ. Cả mấy anh chị em nhảy cuống cả chân lên khi nhìn cái thúng trên đầu mẹ hạ xuống. Không có bánh, chỉ vỏn vẹn ít gạo xấu.
Ra khỏi trại cấm chị vẫn khổ. Cái khổ đi hết kiếp con người. Ai bảo ra nước ngoài là sướng? Sáng tờ mờ chị dậy, bấm bụng đi làm với miếng cơm không trộn muối chan nước sôi để nguội. Trưa kiếm chỗ nào kin kín ngồi ăn cho đỡ xấu hổ vì giở cặp lồng ra chỉ có dăm ba cái bánh bao màn thầu không nhân bé xíu. Chị làm phụ hồ trên những nóc nhà cao chất ngất. Ngay cả đến đàn ông cũng còn kiêng nể nhưng chị làm tuốt, miễn là có tiền. Khi đeo cái thắt lưng với bộ đồ bảo hộ vào, mái tóc chị cắt ngắn. Thoạt nhìn không ai bảo chị là phái yếu.
Chỉ đến khi đêm về, cái bản tính yếu đuối trong con người chị mới dần xuất hiện. Không một ai vỗ về an ủi. Nước mắt chị rơi. Cái phòng nhỏ tí chị đang ở, hay nói đúng hơn là cái lồng sắt dài có hai mét, rộng hơn mét, cao mét rưỡi không khác gì cái quan tài cho người sống. Chị ngước mắt lên, cái áo treo lủng lẳng trước mặt dật dờ như bóng ma. Hình ảnh những đứa em đói khát hiện về, người mẹ tần tảo và gánh rau, con lợn sề ủn ỉn, vài con gà còi cọc mổ sỏi trong sân. Rồi chị nhớ đến bố. Dáng gầy với nước da vàng nghệ đặc trưng của người bệnh xơ gan, chiếc bụng to như cái trống cùng tiếng rên rỉ khẩn thiết cầu xin ông trời cho chết. Chị lại khóc...
Những đồng tiền chị gửi về là mồ hôi, là nước mắt, là những nhọc nhằn, vất vả nơi xứ người. Ngót nghét đã gần hai chục năm trôi qua, căn nhà tranh xiêu vẹo giờ đã thay bằng nhà tầng khang trang đẹp đẽ. Các em trai, em gái cũng lần lượt lấy vợ, lấy chồng. Chỉ còn chị, đầu đã thêm sợi bạc, nhan sắc vui tươi nhí nhảnh ngày nào giờ cũng đã thành quá khứ.
Hỏi chị buồn không, chị chỉ lặng lẽ mỉm cười. Ngày chị vẫn thường ăn chay, đêm về niệm Phật. Cuộc sống xứ Cảng thơm muôn phần nhộn nhịp, nhưng chỉ có chị là lạc lõng mọi thứ. Tâm hồn rất thuần Việt nên dù có đi xa hay phiêu dạt chân trời góc bể, chị vẫn luôn ngóng trông ngày trở về với đất Việt thân yêu. Chị vẫn thèm lắm dưa chua, cà pháo, muối mắm, niêu cá bống kho tương, bát rau sam ngày nắng, con cua đồng nấu riêu...
Chị bảo, chỉ mong sau này dành dụm đủ vốn, về quê kiếm mảnh đất đào ao thả cá, nuôi lợn, nuôi gà trồng rau, rồi nhận một đứa bé không cha không mẹ làm con.
Thời gian trôi nhanh, mới đó mà tròn 18 năm chị gửi thân sống tạm xứ người!
Nguyễn Thị Thanh Vân
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com