Khi vừa được biết đến cuộc thi "Gửi người phụ nữ tôi thương" doVnExpress tổ chức, tôi lập tức nghĩ rằng: "Cơ hội của mình đây rồi".
Tôi bây giờ là một cậu học sinh cấp 3, 17 tuổi. Trong suốt 17 năm qua, hình như chưa lần nào tôi viết thư gửi cho người phụ nữ tôi yêu thương, mà đề bài cuộc thi có dùng hai chữ "trân quý". Vừa đọc xong đề tài, tôi đương nhiên nghĩ tới mẹ, nhưng rồi lại băn khoăn, rằng tôi không cho rằng mình có một người mẹ.

Mẹ đã dạy tôi bằng sự tận tâm và kiên nhẫn để tôi trưởng thành như hôm nay.
Trong gia đình, ngoài mẹ ruột, tôi còn gọi các dì là má. Tôi rất yêu mẹ, nhưng tôi cũng yêu các má. Đắn đo một hồi, tôi mới quyết định sẽ không chỉ viết cho một, mà là viết cho những người phụ nữ tôi trân quý trong cuộc đời này.
Mẹ tôi, người đã sinh ra tôi. Mẹ đã cùng ba nuôi nấng, dạy dỗ và cũng là chỗ dựa tinh thần của tôi. Nếu như để cảm ơn, chắc tôi không bao giờ cảm ơn mẹ là đủ.
Mẹ đã sinh tôi ra là một sinh linh khỏe mạnh, không bệnh tật, không khiếm khuyết. Mẹ rất hay khoe với bạn rằng tôi sinh ra nhìn cứ như một thiên thần nhỏ. Tôi lúc mới sinh nhìn trắng trẻo, thân hình mũm mĩm, mới đẻ ra đã có hàng lông mi dài. Tôi nhiều khi nghe cũng tự hào lắm chứ, nhưng chưa bao giờ nói rằng: "Mẹ ơi, con như vậy là nhờ mẹ đấy".
Mẹ cùng ba nuối nấng, dạy dỗ tôi từ từ nhỏ. Cách dạy con của những người mẹ luôn khác những ông ba. Mẹ dạy tôi bằng sự tận tâm và kiên nhẫn. Mẹ khiến tôi phân biệt giữa đúng - sai bằng sự vui vẻ và buồn thầm của mẹ. Mẹ không như ba. Khi tôi sai, điều đầu tiên mẹ thể hiện là vẻ mặt thoáng buồn. Khi mẹ giận, cũng không như ba. Mẹ giận quá thì lại trách tôi một chút rồi lại thôi. Mà vấn đề là cái tính tôi lại giống ba.
Tôi dễ cộc cằn, hay khó chịu. Đôi khi tôi coi những lời quan tâm, nhắc nhở của mẹ như lời than phiền. Tôi cằn nhằn lại mẹ. Trong những lúc đó, lời cảm ơn mà tôi có thể nói ra lại thành lời xin lỗi khó nói. "Mẹ không biết đâu, nhiều khi con ghét và giận bản thân mình lắm. Con tức tại sao mình lại dám nặng lời với mẹ. Con giận vì cái tự ái của con lớn quá. Con làm mẹ buồn nhiều mà lại chưa dám xin lỗi lần nào. Con cảm ơn mẹ vì đã bỏ qua cho con. Và con cũng xin lỗi mẹ vì chính con đã bỏ qua cho chính bản thân mình.
Mẹ cũng chính là người giúp tôi nhận ra đam mê nấu nướng. Suốt bao nhiêu năm, cứ tới mùa giỗ nội, mẹ lại phải nấu hơn chục món để đãi gần trăm khách. Mẹ không phải không có người giúp, nhưng do công việc nhiều qua, phải làm tới ba giờ sáng, ai giúp mẹ đây? Anh trai của tôi thì đi du học, ba bận sắp xếp, em gái tôi lại còn nhỏ, chỉ còn tôi. Công nhận lúc đó mệt thật, nhưng mà vui. Có một lần, mẹ nói với tôi trong lúc phụ mẹ: "Bởi vậy nên mẹ mới thương Văn nhất". Thật sự lúc đó tôi vui không nói nên lời, theo nghĩa đen luôn, vì tôi có đáp lại được gì đâu. Tôi bây giờ đã sống tự lập trong Sài Gòn hai năm rồi, lần nào nấu ăn là tôi nhớ mẹ. Và tôi lại càng muốn nấu ăn.
Bên cạnh mẹ, tôi còn lớn lên cùng với các dì, mà tôi còn gọi là má. Trong nhà ngoại, tôi hay gọi dì tư, dì ba là má tư, má ba, còn các dì khác vì trẻ hơn nên tôi vẫn gọi là dì. Những người phụ nữ ấy tôi yêu quý không kém gì mẹ tôi. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, cứ cuối tuần là ba mẹ lại chở xuống ngoại chơi. Lúc đó, tôi sẽ ngủ lại nhà dì. Có khi mùa hè, tôi phải ở gần một tuần mới chịu lên.

Tôi lớn lên và trưởng thành nhờ tình yêu thương của mẹ và các má.
Các dì và má chăm tôi như con trong nhà. Má tư hay cắt móng tay, ngoáy lỗ tai cho tôi Vì nhà má bán quán cà phê nên tôi được uống bạc xỉu miễn phí. Các dì, sau này khi hai cậu cưới hai mợ về nữa, rất hay dẫn tôi đi ăn. Hồi đó không có trà sữa, mấy dì, mợ hay dẫn tôi đi uống sinh tố, đi hội chợ... Tuy các dì, mợ không luôn ở bên và trực tiếp dạy dỗ tôi trưởng thành, nhưng trong ký ức về tuổi thơ ở quê nhà của tôi luôn có mọi người. Đối với một đứa cháu học xa quê như tôi, đó là thứ gì đó vô cùng đẹp đẽ và ấm áp.
Còn một chuyện nữa mà tôi cũng đắn đo suy nghĩ lắm, không biết có nên nói ra hay không. Cũng là một chuyện tôi chưa bao giờ nói thẳng ra vì nó thực sự rất khó nói. Mà thôi, bây giờ không nói thì không biết khi nào nói. Tôi muốn cảm ơn mẹ tôi, các dì, mợ vì đã chấp nhận tôi, một cậu bé gay.
Tôi còn nhớ khi mẹ hỏi về giới tính, tôi rất bối rối. Lúc đó tôi đang phụ mẹ lột tỏi, chắc do hơi tỏi cay, hoặc do thấy có lỗi với mẹ cũng nên, tôi đã khóc nhiều lắm. Tôi khóc nghẹn mà không nói được chữ nào. Vậy mà mẹ lại không khóc. Tới giờ tôi mới biết không phải do mẹ mạnh mẽ, mà là không muốn làm tôi buồn. Tới cuối cùng, tôi cũng không trả lời được nguyên nhân vì sao, nhưng mẹ cũng hiểu.
Đến nay, tôi đã có thể thoải mái nói chuyện này với mọi người. Chính nhờ mẹ đã chấp nhận bản thân tôi. Mẹ đem chuyện này tâm sự với má tư của tôi và cũng trải qua một sồ chuyện nữa. Má tư cũng hiểu tôi là gay. Rồi dần tôi có được sự tự tin nói với một số dì, mợ khác. Điều khiến tôi bất ngờ là không ai phản đối tôi, tất cả đều quan tâm, lo lắng và cố gắng thấu hiểu.
Tôi nhớ nhất, có lần đã dành cả gần một tiếng để giải thích cho dì hai từ "công" và "thụ" mà giới trẻ hay dùng là gì. Tôi cũng không hiểu sao nữa, nhưng sau khi được nói chuyện thẳng thắn như vậy, khiến tôi trở nên tự hào về bản thân hơn. Chính những thành viên trong gia đình đã thay đổi tôi. Tôi không còn nói: "Tôi là gay", tôi nói: "Tôi tự hào là gay". Một lần nữa, con xin cảm ơn mẹ, cảm ơn các dì, mợ.
Dù đã qua ngày 20/10, nhưng con vẫn xin chúc những người phụ nữ của cuộc đời con luôn luôn vui vẻ, hạnh phúc, khỏe mạnh và được yêu thương như mọi người đã dành cho con.
Châu Thanh Văn