Kể từ khi ông gia nhập hàng ngũ những nhà cầm quân rỗi việc hè vừa qua, cái tên Guardiola trở thành nỗi ám ảnh với gần như mọi HLV trưởng đang chịu sức ép về thành tích ở các đội bóng lớn trên toàn cõi châu Âu. Và người hâm mộ Guardiola có lẽ chẳng phải chờ đợi lâu nữa để biết nỗi ám ảnh ấy sẽ trở thành hiện thực với nhà cầm quân nào.
Tuần trước, người đại diện của Guardiola, Jose Maria Orobitg tiết lộ rằng thân chủ đang cân nhắc những lời đề nghị từ Chelsea và Man City. Tiết lộ động trời này đã bật nút khởi động cỗ máy sản xuất tin đồn của truyền thông Anh, bởi nhân vật chính ở đây là Guardiola, là một trong những HLV giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá và sắp tái xuất sau một năm nghỉ ngơi.
Là kiến trúc sư trưởng của một "Dream Team" Barca mà đông đảo công chúng xem như đội bóng hay nhất lịch sử, Guardiola sở hữu lý lịch thừa ấn tượng để làm lu mờ mọi đồng nghiệp khác. Nhưng quá khứ hào nhoáng đáng thèm muốn ở Barca trước kia không hề là một chiếc đũa thần, đảm bảo cho khả năng Guardiola sẽ tiếp tục thành công ở một đội bóng khác.
Với Messi, Xavi, Iniesta, HLV nào cũng sẽ giúp Barca thành công
Khi Guardiola rời Barca hè vừa qua, bên cạnh số đông tung hô tài năng của ông, vẫn có quan điểm rằng nếu không phải ở Barca, Guardiola sẽ không thể trở nên vĩ đại đến vậy. Những ý kiến trái chiều này cho rằng Guardiola đã hội đủ cả ba yếu tố, thiên thời - địa lợi - nhân hòa để thành công khi dẫn dắt Barca và chẳng cứ phải Guardiola, bất kỳ HLV nào cũng có thể gặt hái cả chục danh hiệu lớn khi nắm trong tay những tài năng xuất chúng như Messi, Xavi hay Iniesta.
Thoạt nghe, những ý kiến đề cao vai trò của các cầu thủ có vẻ rất thiếu tôn trọng với một HLV từng có công lớn biến một Barca từ đống tro tàn thất bại thừa hưởng từ Frank Rijkaard năm 2008 thành đội bóng chơi quyến rũ và thành công bậc nhất lịch sử. Nhưng chính Guardiola cũng thừa nhận thành công mà Barca có được trong bốn năm ông làm HLV trưởng là thành quả từ công sức của các cầu thủ.
"Mọi người không tới sân để xem HLV, họ tới vì các cầu thủ", ông nói năm ngoái. "Suy cho cùng, môn thể thao này thuộc về các cầu thủ, người chơi. Tôi chỉ đơn giản ngồi đây để tìm kiếm thông tin về đối phương, đưa ra lời khuyên về cách tốt nhất để đánh bại họ. Suy cho cùng, chúng tôi chiến thắng nhiều, đơn giải vì chúng tôi giỏi hơn phần còn lại. Những cầu thủ vĩ đại đã mang về chiến thắng và các danh hiệu".
Thực tế mùa này càng củng cố quan điểm rằng dù được dẫn bắt bởi HLV nào, khả năng Barca thành công luôn cao hơn thất bại. Với Tito Vilanova, vị trợ lý đóng vai trò rất mờ nhạt dưới triều đại Guardiola và cũng chẳng có kinh nghiệm dẫn dắt bất kỳ đội bóng nào, Barca có đá ít quyến rũ hơn, nhưng vẫn thắng như chẻ tre, dẫn đầu La Liga. Vilanova thậm chí còn trở thành HLV có thành tích khởi đầu ấn tượng nhất lịch sử CLB cũng như giải vô địch Tây Ban Nha.
Hơn nữa, triết lý bóng đá của Barca đã được nhất quán từ thời Johan Cruyff những năm đầu 1990 và thấm nhuần vào các thế hệ cầu thủ. Bản thân Guardiola cũng hiểu rất rõ triết lý bóng đá ấy và khi ngồi vào ghế HLV trưởng Barca, ông đã truyền đạt lại cho các học trò, phần lớn là những người xuất thân từ lò đạo tạo của chính CLB - La Masia. Nếu nhận một công việc ở Ngoại hạng Anh hay Serie A, đó sẽ là thách thức lớn chưa từng thấy với Guardiola.
Guardiola sẽ cảm thấy ra sao và làm việc như thế nào với một vị chủ tịch như Roman Abramovich ở Chelsea, người rất hay can thiệp vào công việc chuyên môn của đội bóng? Guardiola sẽ làm thế nào để thích nghi với môi trường bóng đá ở Ngoại hạng Anh, nơi đòi hỏi nền tảng thể lực khủng khiếp hơn nhiều so với La Liga? Những câu hỏi tương tự cũng có thể được đặt ra trong nếu Guardiola tới AC Milan hay Bayern Munich, những nơi mà can thiệp vào các vấn đề chuyên môn dường như đã trở thành một văn hóa trong ban lãnh đạo.
Thách thức từ sự mới mẻ
Chelsea rất muốn có Guardiola hè năm ngoái và vì thế lưỡng lự trong việc trao cơ hội cho Di Matteo, HLV tạm quyền đưa đội tới chức vô địch Champions League. Hiện tại, dù đã ký hợp đồng hai năm với Di Matteo, ông chủ Abramovich vẫn chưa nguôi khao khát đưa HLV trong mộng của ông về Stamford Bridge. Một cuộc gặp giữa cố vấn của Guardiola với phái đoàn cấp cao Chelsea được cho là đã diễn ra từ hồi tháng 2 vừa qua, tại Paris, nhưng phía Guardiola lúc ấy đó vẫn chưa nhận lời vì thân chủ muốn có thêm thời gian suy nghĩ.
Man City, đội vừa bổ nhiệm hai nhà cựu quản lý Barca - Ferran Soriano làm CEO và Txiki Berigistan làm Giám đốc Thể thao, có thể là một lựa chọn khác cho Guardiola. Trong khi đó, từ Italy, Milan, đang tụt dốc không phanh với HLV Allegri, cũng đánh tiếng muốn mời Guardiola về lèo lái. Tuy nhiên, như tiết lộ của Orobitg, có vẻ Ngoại hạng Anh và đặc biệt là thành London, mới là điểm đến được Guardiola ưa thích hơn cả.
Nhưng dù chọn đội nào đi nữa, Guardiola cũng sẽ phải làm quen với một môi trường hoàn toàn mới mẻ. Một trong những lý do chính khiến Guardiola phát tiết dữ dội trong những năm dẫn dắt Barca là niềm đam mê lớn lao mà ông dành cho CLB này, là khát khao của ông trong việc gây ảnh hưởng lên mọi mặt của một thể thế mà từ lâu đã ăn sâu vào huyết quản của ông.
Khi Barca thành công, Guardiola là người vui mừng, phấn khích hơn tất thảy. Nhưng ngược lại, thất bại của Barca là điều gì đó rất tồi tệ mà ông không thể chịu đựng. HLV Wenger đã nói tới chi tiết này trong một bình luận về người đồng nghiệp trẻ khi Guardiola tuyên bố chia tay Barca: "Tôi nghĩ Guardiola đưa ra quyết định rời Barca trong thời điểm anh ấy gặp một số nỗi thất vọng lớn, thua Chelsea ở Champions League và bị Real hạ bệ ở La Liga".
Mang trong mình một thứ văn hóa bóng đá đặc biệt so với phần còn lại, chưa có kinh nghiệm làm việc trong nhiều môi trường khác nhau và không quen cảm giác thất bại, Guardiola vì thế có thể là một canh bạc thật sự cho những đội bóng muốn có ông và đòi hỏi ở ông thành công tức thì, thay vì kiên nhẫn chờ đợi.
Dớp thất bại sau khi rời Barca
Ngoài ra, lịch sử cũng cho thấy những HLV từng rất thành công ở Barca trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây đều mờ nhạt sau khi rời CLB. Johann Cruyff, sau khi đoạt tới 11 danh hiệu trong sáu năm đầu dẫn dắt Barca, đã cùng CLB trắng tay trong hai năm cuối, kết cục khiến ông phải ra đi và thề độc không bao giờ làm HLV nữa. Bryan Robson từng cùng Barca đoạt Cup C2 châu Âu nhưng sau đó trắng tay và chẳng để lại dấu ấn nào đặc biệt ở PSV rồi Newcastle.
Frank Rijkaard là một ví dụ khác và là trường hợp thê thảm hơn cả trong số HLV Barca không thành công sau khi ra đi. HLV từng vô địch Champions League năm 2006 này bị Galatasaray sa thải chỉ sau một năm rưỡi nắm đội và hiện giờ phải sang tận Trung Đông để kiếm cơm với vai trò HLV trưởng tuyển Ả-rập Xêút.
Louis van Gaal là ngoại lệ hiếm hoi tiếp tục gặt hái danh hiệu sau khi thành công với Barca (hai chức vô địch La Liga), nhưng cũng thất bại thảm hại ở công việc kế sau giai đoạn rực rỡ ở Nou Camp (1997-2000). Tuyển Hà Lan do Van Gaal dẫn dắt không thể vượt qua vòng loại World Cup 2002 và khiến ông phải từ chức. Van Gaal sau đó trở lại Barca làm HLV trưởng một thời gian ngắn, nhưng cũng không thành công và bị sa thải cuối tháng 1/2003.
Van Gaal về sau có một chức vô địch Hà Lan và một danh hiệu Bundesliga. Tuy nhiên, sau nhiệm kỳ đầu thành công cùng Barca, dường như ông không có duyên với các CLB lớn. Danh hiệu Hà Lan đến với Van Gaal khi dẫn dắt AZ Alkmaar. Chiếc đĩa bạc Bundesliga là một thành công lớn của ông ở Bayern, bên cạnh chiến tích đưa đội vào tới trận chung kết Champions League 2010 (thua Inter), nhưng sau đó, ông bị "Hùm xám" sa thải ở giai đoạn cuối mùa 2010-2011.
Phương Minh