Phạm Hoài Nam tâm sự, ngay khi đặt chân đến mỗi vùng đất, nơi tôi luôn ghé đến đầu tiên là những khu chợ, bởi nó mang mùi vị đặc trưng của cách sống và con người ở vùng đất đó. Chẳng hạn như chợ cá không hề có mùi tanh ở Tokyo có dáng vẻ thân thuộc giống ở Việt Nam hơn chợ thực phẩm với quầy kệ ở vịnh San Francisco hay ở Odessa Ukraina.
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam. |
Thưởng thức ẩm thực sẽ là mục đích kế tiếp của mỗi chuyến đi sau khi ghé thăm những khu chợ. Với tôi, không khí quán xá rất quan trọng và người đi cùng cũng quan trọng không kém. Tôi nhớ mãi buổi tiệc tối cùng vài người bạn thân. Chúng tôi cùng nhau lênh đênh trên tàu giữa vịnh Sydney, những món hải sản tươi ngon, đặc biệt là món sò điệp nướng cháy cạnh ăn kèm với một lát bơ tươi, phủ thêm chút sốt mận tự làm của đầu bếp. Dư vị của nó ngon đến giờ này tôi vẫn còn nhớ như in.
Nhà hàng ở Australia cũng lạ, trong thực đơn luôn có món "Đầu bếp chọn", nghĩa là với mỗi yêu cầu của thực khách, người đầu bếp sẽ tự sáng tạo ra một món ăn theo phong cách riêng. Họ sẽ mang đến cho ta bữa ăn có một không hai, nhưng những món ăn này có giá cả không hề rẻ.
Ở bất cứ nơi nào tại Đức cũng thấy bán bia, bia ở đây ngon, nặng, uống kèm với xúc xích, kèm thêm chút cải hay dưa chuột muối. Tôi đã chuếnh choáng ngay sau ly bia thứ 3 ở một ngôi chợ tại vùng Stuttgart vì món xúc xích ở nơi đó. Nhưng ở Italy thì lại khác, dù đã hết chai rượu vang tự chế thứ 3 với mấy món mì macaroni sốt kem cũng chỉ mới làm tôi lâng lâng.
Cũng trong chuyến đi Đức này, tôi đã có kỷ niệm đẹp về món sashimi (món ăn bao gồm hải sản tươi sống kèm với củ cải bào và lá tía tô) ở một nhà hàng Nhật khi lạc chân giữa Koblenz (một thành phố nhỏ xinh đẹp, nằm ở nơi hợp lưu hai dòng sông Rhein và Mosel). Bước vào nhà hàng Nhật, tôi dùng tiếng Anh để gọi món sashimi, nhưng cô gái ghi thực đơn thông báo ở đây chỉ bán sushi (món cơm trộn giấm, bên trong hoặc trên bề mặt mỗi miếng cơm có hải sản tươi sống, hoặc đã nấu chín và rau củ) thôi nên tôi gọi vài món ăn cho qua bữa. Tôi đã bất ngờ khi nghe cô gái nói vọng vào trong quầy cho đầu bếp những món tôi chọn bằng tiếng Việt. Mừng quá vì đã hơn một tuần không được nói từ tiếng Việt nào, tôi "xổ" cả tràng. Cô gái ghi thực đơn là người Việt và là vợ của đầu bếp kiêm luôn chủ quán khi biết tôi là đồng hương đã phục vụ tận tình. Sau khi dùng hết mấy món đã gọi, tôi còn được mời thêm đĩa sashimi làm riêng cho "người Việt lỡ chân xa xứ".
Chẳng ngạc nhiên khi có dịp ở Nhật, tôi luôn nhăm nhăm ăn món sashimi, tất cả các kiểu, từ cá ngừ, cá hồi thường gặp đến mực, sò, hào, cầu gai, cá biển, cá sông... Một buổi tối lạc đường giữa khu Ginza sầm uất, tôi cùng mấy người bạn được các cô gái mặc Kimono nói tiếng Anh trong một nhà hàng Nhật phục vụ món sashimi cá voi, vừa ăn vừa ngậm ngùi, nhưng rồi cũng phải ăn cho biết. Sau lần ấy, trong một buổi tiệc tối ở thành phố nhỏ Kumamoto, tôi được ông chủ tiệc mời một món ăn, nhưng ông lại sợ tôi không dám dùng. Nhìn món ăn tôi bảo: "món này tôi đã ăn rồi, thịt cá voi phải không?", ông không nói mà chỉ mỉm cười. Sau khi tôi đã ăn xong, ông ấy mới cho biết là tôi vừa ăn thịt ngựa, miếng thăn mà chúng tôi dùng có giá chừng 2.000 đô la Mỹ một cân.
Nước Mỹ có lẽ là nơi mà người ta thường bảo đồ ăn nước nào ở đây cũng ngon và rẻ, bởi thực phẩm dồi dào và đã được chọn lọc. Tôi thì lại nghĩ khác, ăn phở Việt tại Mỹ trong một nhà hàng đông khách, chuyên nấu cho người nước này ăn thì chẳng ngon tí nào, nước phở nhạt, bánh phở là loại đã làm khô, được luộc lại, rau thì chỉ có hình mà chán vì không có mùi vị gì, chỉ có thịt là ngon hơn.
Mọi người bảo ăn pizza ở New York ngon, riêng tôi thấy cũng bình thường vì tôi thích các món ăn được chế biến kiểu Fusion (sự kết hợp ngẫu hứng, có sáng tạo giữa các nền ẩm thực khác nhau) hơn. Món ăn này nửa Âu nửa Á, dễ ăn, dễ dùng mà lại đẹp, đúng tinh thần Mỹ.
Mỗi vùng đất nơi tôi đặt chân đến có lẽ một "duyên số" và những chuyến đi như là một phần của cuộc đời tôi. Do đó, yêu cuộc sống, nhìn đời tươi đẹp và khám phá những điều mới lạ... đã là một phần mà tôi cần phải làm, cần gặp, cần phải trải qua. Tuy nhiên, cứ mỗi khi đi xa, tôi lại thèm món gà hấp muối do mẹ nấu, đơn giản và mộc mạc thôi nhưng luôn làm tôi nhớ để mà quay về.
Bia Đức vốn nổi tiếng và luôn được mọi người nghĩ đến khi nói về ẩm thực nước này. Ngoài ra, ẩm thực Đức vẫn còn nhiều món ngon, đa dạng và thay đổi tùy theo vùng, đặc biệt, có thể kể đến món giò heo luộc với bắp cải ngâm chua (Sauerkraut). Bên cạnh đó, xúc xích cũng là món ăn đặc sản đất nước này.
Với trên 200 loại được làm từ thịt bê, thịt lợn, óc heo, mù tạt, gia vị và bột cà ri, mỗi vùng lại có một loại xúc xích riêng với hương vị đặc trưng của vùng. Đó là xúc xích của Bavaria với rau mùi tây và hành, xúc xích trắng ở Bayern hay xúc xích bao tử heo ở vùng Pfalz hay Chipolata được nướng trên than hồng... Thực khách sẽ chọn được món xúc xích phù hợp với khẩu vị và sở thích của mình.
Anh Nguyễn
SG003634
Tư vấn bởi: MEC Global và Inspiration Communication.