- Trung tuần tháng 8 vừa qua, khoảng 9.000 thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển vào Cục Thuế Hà Nội, giáo sư đánh giá thế nào về việc đó?
- Người ta đổ xô vào thi ngành thuế cũng dễ hiểu thôi. Không ai bảo nhân viên thuế là ăn trắng mặc trơn, họ rất vất vả. Nhưng đó là ngành rất nhạy cảm với tiêu cực. Một cửa hàng kinh doanh bị đánh thuế 3 triệu hay 5 triệu đồng có thể tùy vào doanh nghiệp và nhân viên thuế. Tuy nhiên, tôi rất mong rằng nhận định này là sai.
Nhưng việc đó cũng phản ánh thực tế đang diễn ra, đó là xu hướng thích vào làm các cơ quan nhà nước. Chuyện xếp hàng dự tuyển công chức diễn ra ở nhiều ngành chứ không riêng gì ngành thuế. Đây là biểu hiện không tốt trong mối quan hệ giữa lao động và việc làm.
Khu vực đào tạo đại học, cao đẳng nhiều hơn khả năng cung ứng việc làm. Đây không phải lỗi của đào tạo vì tỷ lệ lao động chất lượng của ta còn thua các nước trong khu vực, mà do hạn chế của khu vực sản xuất xã hội. Khu vực tư phát triển ì ạch với rào cản của thủ tục, huy động vốn hay năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhà nước thì năng suất thấp, chỗ làm việc trăm mối quan hệ đã chiếm hết chỗ.
- Hơn 50% thủ khoa các trường đại học, học viện vừa được thành phố Hà Nội vinh danh cũng bày tỏ nguyện vọng được làm trong cơ quan nhà nước. Danh từ "công chức nhà nước" có thực sự thu hút giới trẻ?
- Tôi không thấy nền công vụ nào lại tự hào rằng đội ngũ của họ là nguồn lực tốt nhất của xã hội, là những thủ khoa. Vấn đề của họ là cũng có người có nguyện vọng, sở thích, nhưng phải đáp ứng được cuộc tuyển chọn. Mà tuyển chọn của người ta là sếp tuyển chứ không phải cơ quan, chính phủ quy định tuyển chọn. Bởi vì sếp có thể bị sa thải nếu bộ máy của họ trì trệ.
Ở ta như thế là điều bất thường. Bộ máy công quyền không có gì chứng tỏ là nơi hấp dẫn khi thu nhập thấp, làm việc trì trệ, theo lề lối hành chính..., không phù hợp với tâm lý của người thông minh. Thanh niên thông minh muốn làm việc trong môi trường cạnh tranh, hiệu quả cao và thu nhập tương xứng. Vì thế có thể nói họ không kiếm được việc tốt hơn thì buộc phải vào khu vực nhà nước chứ không phải thích.
Nhưng cũng cần thẳng thắn rằng việc nhiều người đổ xô vào làm nhà nước vì còn tồn tại tiêu cực trong khu vực này: nhũng nhiễu khi là nhân viên, tham nhũng khi là lãnh đạo. Điều này Đảng và Chính phủ đánh giá chứ không phải tôi lộng ngôn. Nhiều vị trí, công việc, mối quan hệ rất dễ tha hóa những công chức không biết giữ mình.
Hơn nữa, trong môi trường dân chủ, quy chế hiện nay nếu muốn ra khỏi khu vực công cũng không khó, trừ những đảng viên, công chức làm nhiều năm. Thế nên vẫn có chuyện công chức giỏi chỉ "tá túc" trong cơ quan nhà nước. Khi có việc làm, môi trường và thu nhập phù hợp họ sẽ ra khỏi công vụ. Cũng nên coi đây là bình thường. Tuyển được người giỏi nhưng sử dụng họ mới là câu chuyện hiện nay.
- Việc thi tuyển công chức vừa qua nảy sinh nhiều bất cập như nộp tiền chống thi trượt cao học ở Thanh Hóa hay nghi vấn tiêu cực trong thi tuyển công chức tại Bộ Công thương. Theo ông, lý do gì dẫn tới những bất cập đó?
- Tiêu cực trong thi tuyển công chức "sờ đâu có đấy". Nguyên nhân bắt nguồn từ xã hội bằng cấp của chúng ta. Việt Nam đang hiểu sai căn bản về bằng cấp trong nền công vụ, từ đó mới đẻ ra tiêu cực và tốn kém ngân sách quốc gia.
Trong hệ thống giáo dục, bậc đại học là cao nhất rồi. Còn thạc sĩ, tiến sĩ là chuyên sâu, cần cho các viện nghiên cứu. Các đời tổng thống Mỹ làm gì có ai là thạc sĩ đâu, có một vài tiến sĩ, giáo sư là bộ trưởng vì những người này có khả năng hoạt động chính trị, chứ không phải bộ trưởng cần bằng cấp đó.
Thạc sĩ, tiến sĩ là nghiên cứu chuyên sâu một lĩnh vực. Giải một công thức toán sáng tạo, chế ra một cái nút chai có cải tiến đã có thể lấy bằng tiến sĩ. Tôi chưa thấy người công chức nào chứng minh rằng khi mình là tiến sĩ thì làm công vụ tốt hơn lúc là cử nhân. Còn giảng viên, bác sĩ… là khu vực khác.
Nếu đi làm công nhân thì không cần tới bằng cấp cao. Một số ít vì muốn có công việc nên phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Ở các nước, bằng cấp gì thì chủ doanh nghiệp phải trả tương xứng. Đó là pháp quyền. Mà họ đâu có cần bằng đại học cho những công việc đơn giản.
Thực trạng coi trọng bằng cấp, lấy bằng cấp để tuyển công chức và xếp lương nên mới nảy sinh tiêu cực trong thi cử, mới có chuyện mua bán bằng cấp... Đây đang thực sự là một căn bệnh.
- Trong bối cảnh cần tinh giản bộ máy nhà nước, HĐND TP Hà Nội vừa đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung biên chế cho một số cơ quan, đơn vị quá tải công việc. Ông đánh giá thế nào về đề nghị này?
- Với hệ thống dịch vụ công (bệnh viện, trường học) còn kiểu bao cấp như hiện nay thì bao nhiêu biên chế cũng không đủ. Phải xã hội hóa mạnh mẽ các lĩnh vực dịch vụ công như Thủ tướng đã nói nhiều lần. Ví dụ Sở Giáo dục đang phải quản lý rất nhiều giáo viên "quốc doanh" vì họ là viên chức nhà nước, khi đó phải tuyển dụng, định biên, luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch… và cả "xử kiện" nữa. Nhưng nếu khoảng 50% số giáo viên đó và nhân viên bệnh viện thuộc trường tư thì các Sở không phải làm những công việc trên. Khi đó, khả năng thừa biên chế trong các sở là rất rõ.
Minh Minh thực hiện