Nhận xét về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đề thi quá chú trọng cho mục tiêu xét tốt nghiệp nên tính phân loại thí sinh không cao. So với đề thi đại học các năm trước, đề THPT quốc gia dễ, chỉ 10-15% câu hỏi rất khó để chọn học sinh giỏi, nhưng lại không có câu để phân loại học sinh khá với trung bình.
"Không phân loại được thí sinh thì rất khó cho khâu tuyển sinh hoặc tuyển sai người. Với đề thi THPT quốc gia năm nay, các đại học tốp đầu có thể có nguồn đầu vào đảm bảo, nhưng các trường tốp giữa chỉ cần học sinh học lực khá sẽ gặp khó khăn", ông Thi nói.
GS Đào Trọng Thi cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc giao địa phương thực hiện một kỳ kiểm tra đầu ra quy mô nhỏ. Ảnh: Giang Huy. |
Dù chưa có kết quả thi nhưng dựa vào đề và tình hình làm bài của thí sinh, GS Thi dự đoán, số lượng bài bị điểm dưới trung bình sẽ không cao, khoảng 95% thí sinh sẽ đỗ tốt nghiệp. "Mọi năm có đến 95-99% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT thì năm nay để an toàn, tránh gây sốc cho xã hội, tỷ lệ này cũng không thể dưới 90% được", ông Thi phân tích.
Chuyên gia giáo dục này cho biết trước đây đã nhiều lần đặt vấn đề một kỳ thi mà biết chắc có đến 99% thí sinh đỗ thì cần gì phải tổ chức, đặc biệt ở tầm cỡ quốc gia và hiện nay bằng tốt nghiệp THPT không phân loại Giỏi - Khá - Trung bình? Từ quan điểm này, ông đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, biến nó thành kỳ kiểm tra do các địa phương, các trường THPT tổ chức, hoặc thậm chí chỉ cần xét kết quả học tập, rèn luyện trong các năm của học sinh.
"Với việc xét học bạ thôi đã có thể bớt đi 1% học sinh có học lực dưới trung bình, hạnh kiểm không tốt, không đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp. Con số này tương đương với tỷ lệ trượt tốt nghiệp THPT các năm trước và chi phí giảm thiểu hơn nhiều", ông Thi nói.
Trước ý kiến "Luật Giáo dục quy định học gì phải thi nấy" và "tổ chức thi để các học sinh có ý thức học hành", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng phản biện, luật có thể thay đổi được, quan trọng là có thực sự muốn đổi hay không. Nếu không đổi luật, ta cũng có thể tổ chức kỳ thi nhưng đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Việc nhắc nhở ý thức học tập của học sinh thì chỉ cần kỳ thi quy mô cấp địa phương cũng đảm bảo được. Nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới không tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT này.
"Tại sao phải ghép một kỳ thi mà có đến 99% đỗ tốt nghiệp và mục tiêu tốt nghiệp với thi đại học rất xa nhau, gây áp lực cho thí sinh. Tôi đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi vào đại học giao cho các đại học tổ chức. Luật giáo dục đã quy định các trường đại học được giao quyền tự chủ tuyển sinh", ông Thi nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn hỗ trợ, có thể đứng ra tổ chức kỳ thi chung hoặc giao cho các cơ sở tổ chức với sự tham gia tự nguyện của các trường. Nếu áp dụng như vậy, sẽ có rất đông đại học, đặc biệt là trường top trên, tổ chức thi riêng vì đây đang là xu hướng và mang lại nguồn đầu vào phù hợp với tiêu chí của trường. Các đại học tốp dưới, có thể vẫn cần đến kỳ thi chung do Bộ Giáo dục tổ chức, nếu họ tin tưởng được.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường đại học ở TP HCM cũng cho rằng từ trước đến nay kỳ thi tốt nghiệp không đánh giá được năng lực của học sinh và bằng tốt nghiệp cấp 3 cũng không có nhiều giá trị. Học xong lớp 12, sau khi được công nhận tốt nghiệp phổ thông các em sẽ có nhiều lựa chọn thích hợp cho mình thay vì tất cả phải đổ vào một cuộc thi đầy căng thẳng, áp lực và tốn kém như hiện nay.
“Nhiều em không có nhu cầu vào đại học, hoặc không đủ khả năng nhưng vẫn phải đi thi để được tốt nghiệp, trong khi đó nhiều năm qua tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước luôn ở mức cao, nhiều trường thậm chí 100% học sinh đậu”, vị giáo sư này phân tích và cho rằng việc xét tốt nghiệp có thể dựa trên kết quả học tập của 3 năm cấp 3 để giảm tải áp lực cho học sinh và giảm chi phí thi cử cho xã hội.
Ngoài ra, việc thực hiện một kỳ thi chung sẽ làm khó cho các trường đại học trong tuyển sinh. "Đề thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT dễ hơn rất nhiều so với đề mẫu mà trước đó Bộ đưa ra. Việc phân hóa cũng rất khó, sàn điểm 6-7 sẽ nhiều do vậy chúng tôi sẽ khó xác định được việc xét tuyển của mình. Nếu lấy điểm chuẩn cao sẽ không có nhiều thí sinh đậu, còn nếu lấy mức điểm trung bình - khá lại rất đông hồ sơ đạt yêu cầu", vị hiệu trưởng này phân tích.
Trong khi đó thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt lại cho rằng vẫn nên giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải giảm áp lực thi cử bằng cách giao kỳ thi này về cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Chúng ta có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng cần phải có thời gian, trước khi bỏ phải có một thước đo thích hợp để đánh giá học sinh. Với tâm lý của học sinh Việt Nam nếu bỏ kỳ thi này nhiều em sẽ không còn động lực, mục đích học do vậy chất lượng giáo dục sẽ đi xuống”, thầy Hiếu phân tích.
Theo thầy Hiếu, việc thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia như vừa rồi thì khả năng phân loại thí sinh trong một đề thi rất khó. “Việc phân loại học sinh trung bình - giỏi thì có thể dễ nhưng để phân loại sâu được từng mức trung bình - trung bình khá - khá - giỏi là rất khó. Trong khi đó việc xét tuyển vào các trường đại học thì cần phải phân loại rõ”, ông Hiếu nói và cho rằng năm nay phổ điểm 5-7 sẽ nhiều, việc tuyển chọn, phân loại xét tuyển của các trường sẽ gặp khó khăn.
Từ ngày 1 đến 4/7, khoảng một triệu thí sinh cả nước đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi quốc gia và 61 cụm thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Có 28% thí sinh chỉ thi nhằm xét tốt nghiệp, 72% thi với mục tiêu xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Quỳnh Trang - Nguyễn Loan