Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia với 4 môn trong 2 ngày, Diệu Mai (THPT Trung Văn, Hà Nội) khá thoải mái vì làm bài tốt. Mai cho biết, nếu dựa vào cách tính điểm tốt nghiệp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tổng điểm của 4 môn thi, điểm khuyến khích, điểm tổng kết lớp 12, điểm ưu tiên thì em chắc chắn đỗ tốt nghiệp, chỉ chờ điểm 3 môn Toán, Văn, Anh để xét vào trường đại học mà thôi.
"Điểm tổng kết lớp 12 em được gần 8.0, môn tự chọn là Lý chỉ cần đạt 2 điểm là qua tốt nghiệp rồi", Mai nói và cho hay ngay từ trước khi kỳ thi diễn ra, các em có thể tự tin đỗ tốt nghiệp và hướng mục tiêu cho kỳ thi đại học.
Nữ sinh này đánh giá, đề thi hai trong một năm nay khó hơn đề thi tốt nghiệp và dễ hơn thi đại học. Nhiều ý kiến cho rằng vì có yếu tố thi tốt nghiệp nên nếu ra đề khó quá thì học sinh miền núi và vùng nông thôn sẽ chịu thiệt thòi. Mai không nghĩ vậy bởi học sinh các khu vực khác cũng được cộng điểm ưu tiên còn học sinh thành phố thì không được cộng. "Em thấy không cần thiết phải gộp thi tốt nghiệp và thi đại học vào một kỳ thi chung mà bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp đi. Bởi học sinh thi đều đỗ thì em nghĩ không cần thiết phải thi nữa", Mai nói.
Trước kỳ thi THPT quốc gia, Thu Thảo (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) và các bạn rất căng thẳng bởi năm nay gộp chung cả tốt nghiệp và đại học. Thảo chọn thi 5 môn, ngoài 3 môn bắt buộc thì chọn Địa để xét tốt nghiệp và thêm môn Sử để xét thi đại học. Thảo kể, sắp đến ngày thi, các em không có thời gian để ôn bài khối C mà phải đi học thêm, rồi học nhóm để bổ túc hai môn Toán và tiếng Anh để thi tốt nghiệp. Tiền học thêm vài buổi lên đến 3 triệu đồng. Trong khi đó, tâm lý đi thi chỉ là nghĩ cách chống điểm liệt hai môn trên, chấp nhận vượt qua được 1,25 điểm là cảm thấy an toàn, tin chắc rằng mình đỗ tốt nghiệp.
"Mỗi thí sinh tham gia làm bài ở mỗi môn thi cũng mang tâm thế khác nhau. Bạn nào chọn môn để xét thi đại học thì làm rất nghiêm túc, cẩn thận. Nhưng thí sinh nào chỉ dùng để xét tốt nghiệp thì làm bài hời hợt, không để giấy trắng, chỉ cần khoảng 2 điểm là ổn. Việc ôn và thi theo kiểu này chỉ là một hình thức đối phó mà không có thực học", Thảo nói.
Nữ sinh này cũng cho rằng đề thi năm nay có "độ khó vượt ngưỡng của thi tốt nghiệp nhưng lại chưa với tới được yêu cầu của đề thi đại học". Thảo lấy dẫn chứng môn Địa được đánh giá là tương đương, thậm chí dễ hơn cả thi tốt nghiệp những năm trước, không có câu nào phân loại học sinh khá giỏi. Học sinh ở mức trung bình còn có thể lấy được 6-7 điểm. Chưa kể đó là môn dùng để xét vào đại học cho các thí sinh khối C. Thảo lo lắng bởi các trường khối C mọi năm lấy điểm rất cao, năm nay đề dễ thế này thì mức điểm còn vọt lên cao nữa.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, tổ chức thi trong 4 ngày và gộp cả thi tốt nghiệp là không cần thiết. Anh Lê Viết Tuấn, một phụ huynh ở Thái Bình cho biết, vừa rồi cậu con trai lựa chọn 6 môn để thi THPT quốc gia, anh phải bỏ hết công việc đồng áng để đưa con đi thi hết cả 4 ngày. Nhà cách thành phố Thái Bình hơn 20 km, anh đưa đón con đi về hàng ngày. Cách đây 2 năm, cậu con đầu đi thi tốt nghiệp và đại học ở gần nhà, tự đạp xe đi, bố mẹ không phải đưa đón.
Anh Tuấn cho rằng, so với việc phụ huynh lẫn sĩ tử phải lên Hà Nội hoặc đổ đến các thành phố lớn như mọi năm, nhìn bề ngoài thấy không vất vả nhưng trên thực tế không phải vậy. Những phụ huynh đi hơn 60 km đưa con cái từ Hưng Yên sang dự thi phải thuê trọ vất vả vì thành phố Thái Bình nhỏ, lại không có nhiều nơi cho thí sinh thuê trọ. Hơn nữa, chất lượng ăn uống ở đây cũng không được tốt lắm. Quanh trường Đại học Thái Bình có 2 quán cơm bụi cùng một nhà ăn trong ký túc xá nhưng chất lượng không cao. Mà phụ huynh thì luôn muốn cho con cái ăn ngon nhất để đảm bảo sức khỏe cho kỳ thi.
"Tôi có thắc mắc là năm nay không xét bằng giỏi, khá, trung bình như mọi năm mà chỉ có công nhận tốt nghiệp, vậy thì sao ngay từ đầu, Bộ không cấp chứng nhận luôn để những em không có nhu cầu đi thi đại học có thể đi làm, học nghề, còn các em có nhu cầu học đại học dồn sức cho kỳ thi mà còn phải tổ chức thi gộp cả tốt nghiệp cho tốn kém?", vị phụ huynh này đặt câu hỏi.
Đồng ý bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng anh Tuấn cho rằng Bộ nên giữ kỳ thi đại học bởi vì đây là kỳ thi gần như tuyệt đối nghiêm túc nhất trong tất cả kỳ thi của Việt Nam hiện nay, có khả năng chọn được thí sinh chất lượng cho các trường đại học.
Cô Nguyễn Hương, giáo viên cấp 3 ở Thanh Hóa vừa có con thi kỳ thi THPT đánh giá, kỳ thi năm nay tạo điều kiện cho thí sinh dồn sức cho một lần thi nhưng vì có yếu tố thi tốt nghiệp ở trong đó nên học sinh sẽ có điểm sàn sàn như nhau. Theo cô, gộp cả kỳ thi tốt nghiệp vào là điều không cần thiết. Vì trên thực tế, mặt bằng chung học sinh của vùng nông thôn kém hơn so với thành thị, nhưng năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng tương đương. Trong khi đó, không ai dám chắc con số trên đánh giá đúng việc học thật, thi thật.
Cô Hương lấy ví dụ về lứa học trò chủ nhiệm đầu tiên thi tốt nghiệp năm 2007. Năm đó, Bộ Giáo dục lần đầu tiên phát động phong trào "Hai không" sau vụ việc tiêu cực tại THPT Đồi Ngô (Bắc Giang). Các học sinh lo thi tốt nghiệp đến mất ăn mất ngủ, không còn sức tập trung cho thi đại học. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm ấy chỉ trên 50%, nhưng được coi như là một năm học thật, thi thật theo tinh thần "không tiêu cực, không thành tích".
Cũng trong năm 2007, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước từ 94% của năm trước tụt xuống còn hơn 60%. Càng về sau, tỷ lệ đỗ lại "nhích" dần đều lên và đạt trên 90%. "Theo tôi, bỏ tốt nghiệp chính là loại bỏ căn bệnh thành tích của nền giáo dục", cô nói.
Hoàng Phương