"Khi một người đang ở đất nước trải qua xung đột phản ứng như vậy trước hành động của hàng nghìn người ở Gruzia, điều này cho thấy người ấy có liên quan, kích động để gây ra điều gì đó ở quốc gia chúng ta, với mục đích làm xáo trộn", Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili nói hôm 12/3, đề cập tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều quan chức nước này.
Gruzia những ngày gần đây đang trải qua làn sóng biểu tình phản đối dự luật siết kiểm soát các tổ chức phi chính phủ và truyền thông nhận tài trợ nước ngoài. Tổng thống Zelensky công khai ủng hộ đám đông biểu tình ở Gruzia, gửi lời cảm ơn những người đã vẫy quốc kỳ Ukraine, nói rằng đó là hành động thể hiện sự tôn trọng.
![Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili tại New York, Mỹ, hồi tháng 9/2022. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/13/cats-7499-1678680219.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SqiMHHFypdtqxOsbmGo5jg)
Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili tại New York, Mỹ, hồi tháng 9/2022. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Garibashvili chỉ trích các quan chức Ukraine "ủng hộ dân chủ" ở Gruzia đã "can thiệp trực tiếp" vào tình hình nội bộ của quốc gia này. Lãnh đạo Gruzia cũng gọi những người ủng hộ biểu tình ở quốc gia ông là "kẻ thua cuộc thảm hại".
"Đầu tiên, hãy chăm lo tốt cho bản thân mình và đất nước các ông. Còn chúng tôi sẽ chăm lo cho quốc gia của mình", Thủ tướng Gruzia nhấn mạnh, đồng thời gửi lời chúc cuộc xung đột ở Ukraine sớm kết thúc trong hòa bình.
Đảng Quyền lực Nhân dân, một đảng nhỏ tại Gruzia có thiên hướng bài xích phương Tây, hồi đầu tháng trình lên quốc hội dự luật yêu cầu các NGO hay tổ chức truyền thông nhận hơn 20% tài trợ từ nước ngoài phải được xếp vào diện "đặc vụ nước ngoài". Tổ chức nào không minh bạch nguồn tài trợ có nguy cơ chịu phạt hành chính. "Đặc vụ nước ngoài" là khái niệm để chỉ các cá nhân hoặc tổ chức tích cực thúc đẩy lợi ích của một quốc gia nước ngoài trong khi hoạt động ở nước sở tại. Đảng Giấc mơ Gruzia (GD) cầm quyền ủng hộ dự luật này.
Gruzia từ hôm 7/3 nổ ra loạt cuộc biểu tình phản đối dự luật, cho rằng nếu được thông qua, nó sẽ làm giảm khả năng nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Phe đối lập cáo buộc đảng GD chịu ảnh hưởng từ Nga, xây dựng luật mới nhằm kiểm soát ảnh hưởng của phương Tây.
Đảng GD hôm 9/3 thông báo rút dự luật nhằm giảm không khí đối đầu, đồng thời cáo buộc phe đối lập "lan truyền thông tin cực đoan". Trong khi đó, các đảng đối lập tại Gruzia tuyên bố tiếp tục biểu tình vì cho rằng "chưa có gì đảm bảo Gruzia chắc chắn đi theo đường lối thân phương Tây".
Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc biểu tình tại Gruzia là âm mưu đảo chính do nước ngoài dàn dựng để gây căng thẳng ở biên giới của Nga. Phát ngôn viên Điện Kremlin cũng cho rằng "có bàn tay hữu hình" cố gắng thêm các yếu tố chống Nga vào biểu tình tại Gruzia.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/Kyiv Independent)