Bard được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ LaMDA và cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT đang gây sốt thời gian qua. Trong bài đăng blog ngày 6/2, Google cho biết công cụ sẽ được mở cho "một nhóm người thử nghiệm tin cậy", sau đó sẽ ra mắt công chúng trong vài tuần tới. Người dùng có thể hỏi Bard để nhận về các câu trả lời chi tiết, như gợi ý nấu món gì cho bữa trưa, lên kế hoạch cho một buổi đi chơi.
"Chúng tôi sẽ kết hợp đánh giá bên ngoài và thử nghiệm nội bộ nhằm đảm bảo phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, độ an toàn và tính có căn cứ của thông tin trong thế giới thực", CEO Alphabet Sundar Pichai cho biết.
Google buộc phải tung ra Bard trong bối cảnh công ty đối mặt với những thách thức trong mảng kinh doanh tìm kiếm (Search). Tuần trước, Alphabet báo cáo doanh thu không như kỳ vọng do quảng cáo kỹ thuật số đi xuống và nhà đầu tư lo ngại các đối thủ AI như ChatGPT của OpenAI có thể làm đảo lộn hoạt động tìm kiếm trực tuyến. Cuối năm ngoái, Google đưa ra cảnh báo "mã đỏ", thúc đẩy các kỹ sư của công ty thực hiện các giải pháp đối phó với ChatGPT.
"Sắp tới, bạn sẽ thấy tính năng do AI cung cấp trong Google Search, giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm khác nhau thành những định dạng dễ hiểu. Bạn có thể nhanh chóng hiểu bức tranh toàn cảnh và tìm thêm thông tin trên web", Sundar Pichai viết. Hãng lấy ví dụ việc sử dụng Bard trong đơn giản hóa các chủ đề phức tạp, như giải thích những khám phá mới từ kính viễn vọng James Webb của NASA cho một đứa trẻ 9 tuổi.
Theo CNBC, trong một cuộc họp tháng 1, Jeff Dean, Giám đốc AI của Google, nói với nhân viên rằng công ty sẽ gặp nhiều "rủi ro về danh tiếng" nếu cung cấp thông tin sai. Do đó, Google cần "thận trọng hơn so với một công ty mới khởi nghiệp". Họ cần thử nghiệm nghiêm ngặt Bard trước khi phát hành ra công chúng.
Trong khi đó, theo Reuters, hãng dịch vụ tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ công cụ Ernie Bot trong tháng 3. Ernie Bot là chatbot trí tuệ nhân tạo hoạt động tương tự ChatGPT và Bard. Baidu dự kiến triển khai AI này dưới dạng ứng dụng độc lập, sau đó dần hợp nhất vào dịch vụ tìm kiếm của mình.
Microsoft, đang đầu tư hàng tỷ USD vào ChatGPT, cũng thông báo sẽ tổ chức sự kiện lớn vào ngày 7/2, nhưng không tiết lộ nội dung chính. Theo The Verge, nhiều khả năng hãng sẽ dành phần lớn thời gian để mô tả quá trình tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác với OpenAI.
Tương tự, Google cũng đã gửi thư mời về sự kiện đặc biệt vào ngày 8/2, bàn về "sử dụng sức mạnh AI để thay đổi cách người dùng tìm kiếm, khám phá, tương tác thông tin".
Minh Hoàng