Meredith Pickford, luật sư của Google, đã trình bày với một hội đồng thẩm phán tại phiên điều trần kéo dài 5 ngày với mục tiêu huỷ bỏ án phạt của Ủy ban châu Âu (EC).
Ông cho rằng EC đã bỏ quên Apple, một đối thủ cạnh tranh của Google, khi xác định thị trường của Apple quá hẹp và hạ thấp sức mạnh của hãng này trong việc ràng buộc và áp đặt các đối thủ. Ủy ban cũng nhầm lẫn khi nói Google thống trị các hệ điều hành di động và cửa hàng ứng dụng, trong khi đây là một thị trường bất ổn với sự cạnh tranh mạnh mẽ. Ông khẳng định Android là một câu chuyện về thành công của Google trong việc cạnh tranh bằng hành động.
Luật sư Nicholas Khan của EC bác bỏ vai trò của Apple vì thị phần của iOS quá nhỏ so với Android. Việc Google đưa Apple vào cuộc chiến này không thay đổi được kết cục bởi hai hãng theo đuổi các mô hình kinh doanh khác nhau.
Khan cũng trích dẫn các thỏa thuận của Google buộc các nhà sản xuất điện thoại phải cài đặt sẵn Google Search, Chrome và Play Store trên thiết bị Android của họ. Hãng cũng chỉ trả tiền cho việc cài đặt sẵn công cụ tìm kiếm Google Search để tránh bị phạt vì cạnh tranh không công bằng. "Sự thống trị của Google là rào cản lớn đối với các đối thủ", Khan khẳng định.
Trong khi đó, nhà sản xuất điện thoại Đức Gigaset Communications GmbH lại ủng hộ Google. Hãng này cho biết họ thành công tại châu Âu là nhờ nền tảng mở của Android và đánh giá quyết định của EC sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của mình.
Nhóm vận động hành lang FairSearch, bên nộp đơn kiện khiến Google bị phạt, lại cho rằng Google đã áp dụng chiến lược mồi nhử và chuyển đổi cổ điển. Khi cung cấp hệ điều hành miễn phí và nguồn mở, họ đi kèm điều kiện với các nhà sản xuất là độc quyền công cụ tìm kiếm của mình.
Năm 2018, Ủy ban châu Âu đưa ra án phạt 4,34 tỷ euro đối với Google vì hành vi độc quyền. Android là hệ điều hành miễn phí, có mặt trên 80% điện thoại thông minh trên thế giới. EC cho rằng việc cài mặc định các ứng dụng Google Play, Search, YouTube... lên hệ điều hành Android sẽ làm hạn chế trải nghiệm người dùng. Đồng thời, hành động này khiến các dịch vụ nhỏ hơn bị chèn ép, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Đây là vụ kiện quan trọng nhất trong ba vụ kiện của Liên minh châu Âu chống lại Google liên quan tới Android. Trong một thập kỷ qua, Google cũng đã phải trả hơn 8 tỷ euro tiền phạt chống độc quyền cho EU.
Phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm sau. Theo các chuyên gia, bất kể quyết định của toà án như thế nào, các công ty công nghệ lớn như Google, Apple, Amazon và Facebook sẽ phải thay đổi mô hình kinh doanh trong những năm tới để đảm bảo sân chơi bình đẳng, theo các quy tắc mới nghiêm ngặt hơn do Giám đốc chống độc quyền Liên minh châu Âu Margrethe Vestager đề xuất.
Huy Đức (theo Reuters)