Tiểu ban Tư pháp về chống độc quyền thuộc Hạ viện Mỹ, chủ yếu là các thành viên đảng Dân chủ, vừa công bố báo cáo điều tra chống độc quyền đối với nhóm Big Tech, gồm Apple, Amazon, Facebook và Google. Cuộc điều tra đã diễn ra trong 16 tháng.
Trong báo cáo dài gần 450 trang, nhóm thành viên đảng Dân chủ cho biết các thông tin họ thu thập được chủ yếu từ các cuộc điều trần với bốn công ty trên, phỏng vấn những người liên quan, cũng như đọc 1,3 triệu tài liệu thu thập được trong suốt cuộc điều tra.
Trong báo cáo, nhóm điều tra đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị. Trong đó, các công ty công nghệ lớn, hoạt động đa ngành nghề và có sức ảnh hưởng buộc phải chia tách thành công ty công nghệ nhỏ hơn theo từng mảng kinh doanh nhất định, hoặc áp dụng cấu trúc kinh doanh tách biệt về mặt chức năng với công ty mẹ. Chẳng hạn, Google phải thoái vốn và tách khỏi YouTube, hoặc Facebook làm điều tương tự với Instagram và WhatsApp.
Bên cạnh đó, Big Tech phải tự chứng minh những hành động của mình khi sáp nhập một công ty nào đó không gây hại đến việc cạnh tranh, thay vì phải đợi cơ quan chống độc quyền điều tra như hiện tại. Các công ty cũng phải thực hiện "các điều khoản bình đẳng như nhau cho mọi sản phẩm và dịch vụ", thay vì ưu tiên sản phẩm riêng trên nền tảng của mình.
Báo cáo cũng yêu cầu các công ty công nghệ này phải làm cho dịch vụ của họ tương thích với đối thủ cạnh tranh, đồng thời cho phép người dùng chuyển dữ liệu dễ dàng.
Phía đảng Cộng hòa đã phản đối một số đề xuất trong báo cáo, chẳng hạn vấn đề áp đặt việc cấu trúc lại công ty với các doanh nghiệp như Big Tech. Một số nghị sĩ cũng đã chuẩn bị các báo cáo của riêng mình để phản biện.
Báo cáo của đảng Dân chủ cho thấy bốn công ty công nghệ trên được độc quyền trong các lĩnh vực tương ứng của họ.
Theo báo cáo, Facebook độc quyền trên thị trường quảng cáo trực tuyến và mạng xã hội.
Một luật sư của Tiểu ban chống độc quyền đã có phát hiện đáng ngạc nhiên trong quá trình điều tra liên quan đến việc Facebook mua lại Instagram. Cụ thể, theo tài liệu thu được, Facebook đã phác thảo sự tăng trưởng dự kiến của Instagram ngay trước khi mua lại với giá tỷ USD vào năm 2012. Mạng xã hội này đã vẽ lên bức tranh "một công ty phát triển nhanh chóng", thay vì đề cập đến "một đối thủ yếu kém có thể gặp khó khăn nếu không có sự trợ giúp của Facebook".
Báo cáo cũng thảo luận về cái gọi là "Bản ghi nhớ Cunningham" - tài liệu được xuất bản năm 2018 bởi một nhà khoa học dữ liệu cấp cao tên của mạng xã hội này, tên Tom Cunningham - người từng được The Infomation đề cập năm 2019. Trong tài liệu này, Cunningham vẽ lên một "bức tranh ảm đạm" về tương lai có thể xảy ra đối với loạt ứng dụng Facebook, khi CEO Mark Zuckerberg muốn hợp nhất các nền tảng nhắn tin của mình.
Trong phỏng vấn với các nhân viên của Tiểu ban, một cựu nhân viên cao cấp của Instagram đề cập đến "cách định vị Facebook và Instagram không cạnh tranh với nhau". Người này tiết lộ, Kevin Systrom - Giám đốc Instagram lúc đó - muốn mạng xã hội hình ảnh này "phát triển một cách tự nhiên và mở rộng nhất có thể". Nhưng Zuckerberg lập tức nói rằng "đừng cạnh tranh với chúng tôi".
"Facebook là câu chuyện thành công của nước Mỹ. Chúng tôi cạnh tranh với nhiều loại dịch vụ với hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng", người phát ngôn Facebook nói trong một tuyên bố. "Mua lại là một phần của mọi ngành nghề là cách chúng tôi đổi mới công nghệ, qua đó, mang lại nhiều giá trị hơn cho mọi người. Instagram và WhatsApp đã đạt tầm cao mới của thành công vì Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD vào các mảng kinh doanh đó".
Amazon
Amazon bị cáo buộc độc quyền với hầu hết đơn vị bán lẻ. Thành viên của Tiểu ban đánh giá "sức mạnh thị trường của Amazon đang ở đỉnh cao" khi nói đến mối quan hệ của hãng bán lẻ trực tuyến này với nhà bán lẻ trên nền tảng của mình.
Theo báo cáo, Amazon đã có các hành vi phản cạnh tranh trong việc đối xử với nhà bán lẻ. "Hãng công khai mô tả các đơn vị bán lẻ là 'đối tác', nhưng tài liệu nội bộ cho thấy công ty gọi họ là 'đối thủ cạnh tranh nội bộ'", báo cáo có đoạn.
Các thành viên điều tra lập luận rằng, Amazon đang có vai trò kép: vừa là nhà điều hành thị trường để điều phối các đơn vị bán lẻ, vừa là người bán hàng trong cùng thị trường đó. Điều này tạo ra những xung đột lợi ích trực tiếp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các đơn vị bán lẻ có thể giúp công ty khai thác được thông tin đối thủ trên nền tảng của mình, và đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Phát ngôn viên Amazon phủ nhận vấn đề, đồng thời cho rằng các cáo buộc của Tiểu ban có thể tác động xấu đến công ty lẫn đối tác, người bán hàng trên Amazon. "Suy nghĩ sai lầm này có thể sẽ buộc hàng triệu nhà bán lẻ độc lập rời khỏi các cửa hàng trực tuyến, tước đi của họ một trong những cách tiếp cận khách hàng nhanh nhất và có lợi nhất hiện nay", đại diện Amazon nói. "Người tiêu dùng sẽ có ít lựa chọn hơn và phải mua hàng với giá cao hơn".
Apple
Các thành viên Tiểu ban cáo buộc Apple độc quyền trên thị trường phân phối ứng dụng cho thiết bị iOS.
Hệ sinh thái di động của Apple đã mang lại "lợi ích đáng kể" cho cả người tiêu dùng và nhà phát triển ứng dụng. Dù vậy, báo cáo cho biết Apple vẫn đang sử dụng quyền kiểm soát hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng của mình để "tạo và thực thi các rào cản cạnh tranh, phân biệt đối xử và loại đối thủ mà vẫn ưu tiên các dịch vụ của riêng mình".
Bên cạnh đó, Apple cũng bị cáo buộc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để khai thác các nhà phát triển ứng dụng, thông qua việc chiếm đoạt thông tin nhạy cảm và mang tính cạnh tranh của họ, đồng thời tính phí các nhà phát triển ứng dụng với giá cao trên App Store".
Những năm qua, Apple đã đối mặt với ngày càng phàn nàn của nhà phát triển ứng dụng về chính sách thu phí "cắt cổ" - 30% doanh thu ứng dụng trên App Store. Gần đây nhất, công ty đã bị Epic Games kiện.
Theo đại diện Apple, App Store đã giúp nhà phát triển hưởng lợi trong nhiều năm. Công ty cũng nhấn mạnh tỷ lệ chi trả hoa hồng "chắc chắn nằm trong xu hướng chủ đạo của các cửa hàng ứng dụng và thị trường trò chơi khác".
Các thành viên Tiểu ban chống độc quyền cho rằng Google độc quyền về thị trường quảng cáo tìm kiếm và công cụ tìm kiếm trực tuyến. Báo cáo mô tả công ty này "hoạt động như một hệ sinh thái của các công ty độc quyền lồng vào nhau", đồng thời "củng cố sự thống trị bằng cách liên liên kết nhiều dịch vụ khác nhau trong cùng một tài khoản của người dùng".
Dựa trên các thông tin nội bộ, Google đã khai thác thông tin và theo dõi chặt chẽ dữ liệu thị trường thời gian thực thông qua loạt dịch vụ của mình. Với quy mô lớn, thông tin thị trường thu thập được "gần như hoàn hảo". Trong một số trường hợp nhất định, hãng còn "bí mật thiết lập các chương trình để theo dõi đối thủ cạnh tranh".
Bên cạnh đó, Google còn bị cáo buộc âm thầm thu thập nhiều thông tin trái phép, chẳng hạn vị trí người dùng thông qua trình duyệt hoặc thiết bị di động. Công ty cũng được cho là chiếm đoạt nội dung từ bên thứ ba và một loạt hoạt động phản cạnh tranh khác.
"Kết quả của những chiến thuật này là Google dường đang 'hút' lưu lượng truy cập từ những website khác, đồng thời buộc các công ty phải trả tiền quảng cáo", báo cáo cho biết. "Không ít công ty đã ví Google là 'người gác cổng chuyên tống tiền' họ".
Ngoài ra, báo cáo cũng cáo buộc Google duy trì sức mạnh độc quyền của mình trong lĩnh vực tìm kiếm bằng các hợp đồng mang tính chất ép buộc. Chẳng hạn, công ty yêu cầu các nhà sản xuất smartphone Android phải cài các ứng dụng Google và đặt mặc định.
Theo phát ngôn viên của hãng, công ty đã đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm miễn phí, như Search, Maps, Gmail... đồng thời khẳng định việc cạnh tranh công bằng. "Chúng tôi không đồng ý với các nội dung trong báo cáo", đại diện Google nhấn mạnh và cho biết sẽ hỗ trợ Quốc hội Mỹ làm rõ các vấn đề trong một số lĩnh vực nhất định, như khả năng di chuyển dữ liệu và khả năng tương tác.
Bảo Lâm (theo CNBC)