Theo Business Insider, Google luôn được coi là một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực AI, nhưng những gì cựu nhân viên tiết lộ cho thấy những tiến bộ của họ đang được thúc đẩy bởi sự "hoảng loạn".
Scott Jenson, cựu nhân viên thiết kế UX cấp cao và mới rời Google vào tháng 3, viết trên LinkedIn ngày 20/5: "Các dự án AI tôi tham gia được thúc đẩy với lý do rằng miễn có chứa AI, đó sẽ là dự án tuyệt vời". Ông cho biết các sản phẩm mới ra mắt không bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của người dùng mà xuất phát từ nỗi lo bị các đối thủ bỏ lại trong cuộc đua AI.
Jenson nói những lời ông chia sẻ xuất phát từ sự thất vọng của nhiều người trong ngành về cách tiếp cận AI của một công ty lớn. Theo hồ sơ LinkedIn, Jenson đã làm việc tại Google khoảng 16 năm. Đây không phải lần đầu ông chứng kiến Google tỏ ra sợ hãi và lo lắng trước đối thủ mới. 13 năm trước, Google phản ứng tương tự khi ra mạng xã hội Google+ một cách vội vàng để đua với Facebook, rồi nhanh chóng thất bại khi độ tương tác quá thấp.
Cuối tháng 3, Fox News cũng dẫn lời một cựu nhân sự cấp cao của Google rằng công ty đã "đi đường tắt" để ra mắt AI Gemini, bất chấp lo ngại nội bộ. Trước khi Bard (sau đổi thành Gemini) ra mắt, công ty cũng có một quá trình "đánh giá nguyên tắc AI". Các chuyên gia cảnh báo lãnh đạo công ty mô hình này không an toàn và Google không nên "kích hoạt AI". Tuy nhiên, Jen Gennai, Giám đốc chịu trách nhiệm về mảng AI khi đó, được cho là đã chỉnh sửa đánh giá và đẩy sản phẩm lên vị trí ưu tiên.
Gennai cho biết quyết định của bà là đúng đắn vì các cảnh báo rủi ro xuất phát từ lỗi không điển hình. Tuy nhiên, nguồn tin nói với Fox News rằng đó là "tuyên bố nhảm nhí". Người này cho biết một số nhân viên công ty muốn kiểm tra lại dữ liệu, đề xuất xây dựng công cụ để xác định xem mô hình đã học được gì. Nhưng lãnh đạo Google từ chối với lý do: "Chúng ta phải tiếp cận thị trường vì đang thua ChatGPT".
Trong khi đó, phát ngôn viên của Google khẳng định: "Chúng tôi cam kết phát triển AI một cách có trách nhiệm".
Tuy nhiên, theo New York Times, một số cựu nhân viên của công ty đều cho rằng Google đã chọn "đường tắt" khi chạy đua AI. ChatGPT bất ngờ xuất hiện khiến công ty rơi vào thế bị động. Việc không có sản phẩm cạnh tranh đẩy Google vào tình trạng hỗn loạn, "mã cảnh báo đỏ" được bật. Sau đó, hãng vội vã ra mắt sản phẩm AI mới và liên tục gặp lỗi.
Mới nhất, trong sự kiện Google I/O 2024 tuần trước, bản cập nhật Gemini 1.5 đã mắc lỗi nghiêm trọng khi hướng dẫn người dùng xử lý film bị kẹt. The Verge đánh giá đây là chỉ dẫn là "cực kỳ tệ", khi AI khuyên "nên mở phía sau và nhẹ nhàng gỡ phim ra". Còn niên tập viên Andrew Lanxon của Cnet, người trực tiếp tham gia sự kiện, nhận xét: "Sau bài thuyết trình kéo dài hai giờ về Gemini và những công cụ AI khác, ngay cả các nhà báo công nghệ giàu kinh nghiệm cũng phải gãi đầu".
Giới phân tích nhận định Google đang thiếu định hướng trong cuộc đua AI. Họ liên tục bị đối thủ vượt mặt, gấp gáp giới thiệu tính năng mới dù vẫn đang thử nghiệm, chưa sẵn sàng cho người dùng phổ thông. Theo Lanxon, có hàng chục mô hình AI mới được Google ra mắt nhưng không khiến người dùng cảm thấy hào hứng vì họ không biết chính xác những AI này sẽ giúp ích gì cho cuộc sống.
Sau màn trình diễn của Google giữa tháng 5, Sam Altman, CEO OpenAI, viết trên X ngày 16/5: "Tôi cố gắng không nghĩ nhiều về đối thủ, nhưng tôi không thể ngừng so sánh sự khác biệt về mặt thẩm mỹ giữa OpenAI và Google".
Khương Nha