Google đang dùng sự thống trị trên thị trường tìm kiếm của mình để hạn chế sức cạnh tranh của các công ty lữ hành trực tuyến, theo Wall Street Journal. Theo đó, Google giới hạn hiệu năng sử dụng các từ khóa quảng cáo phòng khách sạn của các doanh nghiệp này, để mở đường cho những chuỗi khách sạn lớn hợp tác với “gã khổng lồ tìm kiếm”. Do đó khách du lịch có thể vô tình phải trả nhiều tiền hơn khi đặt phòng và không nhìn thấy tất cả lựa chọn cho mình.
Bài báo lý giải Google bán quảng cáo từ khóa qua quy trình đấu giá, và các nhà quảng cáo đấu thầu với một số điều khoản nhất định. Với mức hoa hồng cho các nhà quảng cáo là 20 % và khi Airbnb đang được ưa chuộng, các khách sạn đang cố gắng thu hút khách đặt phòng ngay trên website của mình. Để đạt mục tiêu, trong một số giao dịch với các đại lý du lịch trực tuyến lớn như Expedia, nhiều chuỗi khách sạn đã cấm công ty này đặt giá thầu cho Google hoặc các nhà mạng khác, bao gồm cả việc sử dụng tên thương hiệu của khách sạn trong quảng cáo.
Ví dụ về hiển thị quảng cáo. Ảnh: BI. |
Đại diện của Google phản đối cáo buộc trên. Họ cho biết, Wall Street Journal đã mô tả sai lầm cách thức hoạt động của các dịch vụ này, khẳng định ngành công nghiệp du lịch trực tuyến có tính cạnh tranh cao và các công ty trong lĩnh vực này là những khách hàng tốt nhất sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google. “Cơ hội đấu thầu được mở ra cho tất cả các nhà quảng cáo tuân thủ chính sách của chúng tôi. Chúng tôi không hạn chế việc sử dụng thương hiệu làm từ khóa”, người đại diện nói.
Google đang nỗ lực ngăn chặn các quảng cáo dẫn đường link vào website đặt phòng trực tuyến của các công ty lữ hành trực tuyến, nhưng lại hiển thị như website của khách sạn. “Bảo vệ người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của Google nên chúng tôi có những chính sách chi tiêt chống lại việc sử dụng nhãn hiệu sai lệch hoặc gây hiểu nhầm”, người đại diện phát biểu.
Ngoài ra, với dịch vụ du lịch riêng, Google cho phép người dùng tìm kiếm thông tin về các khách sạn qua hàng loạt website. Qua đó, Google sẽ có 10% đến 15% tiền hoa hồng và khiến nhiều công ty lữ hành phải chia hoa hồng từ lợi nhuận khách đặt phòng với gã khổng lồ này.
Đại diện của Google một lần nữa bác bỏ cáo buộc yêu cầu các công ty trên phải chia sẻ thông tin độc quyền mà nhiều công ty không muốn, vì thực chất Google đang cạnh tranh với họ: “Chúng tôi không đòi hỏi thông tin độc quyền để điều hành quảng cáo cho khách sạn”, đại diện Google cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên Google vấp phải các chỉ trích như vậy. Từ năm 2011, khi Google bước vào thị trường đặt vé du lịch bằng cách mua lại công ty tìm kiếm vé máy bay ITA Software, "gã khổng lồ" này phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền từ Bộ Tư pháp Mỹ. Google phải tách biệt giữa các doanh nghiệp đối tác và công ty của mình theo điều kiện của Bộ Tư pháp, đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi các khiếu nại từ chính phủ trong vòng 5 năm. Những điều kiện này đã chấm dứt vào năm 2016.