Năm 2012, tiểu thuyết tâm lý ly kỳ Gone Girl của nữ nhà văn Gillian Flynn ra mắt nhanh chóng tạo nên cơn sốt và được New York Times đưa vào danh sách "Best Seller". Cuốn sách khai thác những mặt tối của hôn nhân thông qua câu chuyện về một người vợ đột nhiên mất tích vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới và mọi nghi ngờ đổ dồn vào người chồng. Với lối kể chuyện tinh tế và cái kết đầy ám ảnh, Gone Girl nhận vô số lời khen từ giới phê bình.
Trailer phim "Gone Girl" |
|
Tờ Financial Times thậm chí còn nhận xét một câu ngắn gọn về cuốn sách: "Read it and stay single" (Hãy đọc nó và sống độc thân). Ngay sau khi Gone Girl ra mắt và gây sốt, nữ diễn viên Reese Witherspoon bày tỏ sự quan tâm và nhanh chóng cùng các cộng sự của mình mua bản quyền chuyển thể tác phẩm này lên màn ảnh rộng.
Bộ phim chuyển thể trung thành với cốt truyện trong nguyên tác văn học. Mọi chuyện bắt đầu từ sự mất tích bí ẩn của Amy Elliott Dunne, vợ của Nick Dunne đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của hai người. Những chứng cứ rời rạc tại hiện trường không đủ để cảnh sát kết luận được vụ án này. Một cuộc điều tra nhanh chóng được tiến hành và thu hút sự quan tâm của dư luận bởi Amy là một nữ nhà văn nổi tiếng. Mọi nghi ngờ đều dồn vào người chồng Nick Dunne và số đông đều cho rằng anh đã giết vợ. Dù luôn khẳng định mình vô tội, lời khai của Nick luôn có những sơ hở như thể anh đang che giấu một bí mật gì đó.
Theo chân cuộc điều tra của cảnh sát, người xem được khám phá về chuyện tình lãng mạn của Amy và Nick thuở mới gặp gỡ, yêu nhau, tiến đến hôn nhân và trải qua những khủng hoảng tâm lý như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Từng chi tiết, từng nút thắt được mở ra để trả lời cho những nghi ngờ: "Nick Dunne có phải là kẻ giết vợ?", "Nếu Amy đã chết thì xác cô hiện giờ ở đâu?".
Đạo diễn David Fincher vốn nổi tiếng với những tác phẩm vừa có tính giải trí nhưng chất lượng nghệ thuật cao như Se7en, Fight Club, The Curious Case of Benjamin Button, The Social Network hay gần đây là The Girl with the Dragon Tattoo. Với Gone Girl, David Fincher trung thành với cuốn tiểu thuyết từ đường dây câu chuyện cho tới cách kể đan xen giữa hai góc nhìn của Nick và cuốn nhật ký bí mật của Amy.
Phiên bản điện ảnh được rút gọn hơn về các tuyến nhân vật và sử dụng nhiều chi tiết hình ảnh đắt giá để thể hiện cho ý tưởng của nhà văn Gillian Flynn. Chính cô cũng là tác giả kịch bản chuyển thể nên với cả những ai từng thưởng thức cuốn sách thì bộ phim vẫn có nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính cho đến phút cuối.
Tuy nhiên, thay vì tuyên bố ban đầu là phim sẽ có cái kết khác hẳn với tiểu thuyết; những chi tiết ở phần cuối trong phiên bản điện ảnh không có sự khác biệt lớn so với cuốn sách. Dù vậy, cú Twist ở gần đoạn kết chắc chắn sẽ vẫn gây bất ngờ và kích thích, ám ảnh số đông khán giả. David Fincher đã đem tới cho Gone Girl một màu sắc riêng, có phần u ám, căng thẳng hơn trong cuốn sách, thể hiện qua những hình ảnh như cú ngẩng mặt của Amy, cảnh Nick Dunne ngồi trong bóng tối ôm mèo hay những manh mối được tìm thấy trong cuốn nhật ký của Amy...
Rosamund Pike đã thực sự có một vai diễn "để đời" và xứng đáng giành được đề cử Oscar năm sau cho "Nữ diễn viên chính xuất sắc". Dù phải vượt qua rất nhiều cái tên khác như Charlize Theron, Natalie Portman, Emily Blunt, Rooney Mara hay thậm chí là cả nhà sản xuất – minh tinh Reese Witherspoon để có được vai diễn trong dự án chuyển thể gây chú ý này nhưng Rosamund cho thấy dường như không ai thích hợp hơn mình để đưa Amy "mất tích" ra ánh sáng màn bạc. Thậm chí có thể nói Amy phiên bản điện ảnh còn có tính cách mạnh mẽ và dữ dội hơn cả những gì được Gillian Flynn miêu tả trong tiểu thuyết. Sau nhiều năm "lăn lộn" với nghề diễn từ vai Bondgirl trong Die Another Day từ năm 2002, Rosamund Pike thực sự đã tìm được một vai diễn xứng tầm cho những nỗ lực bền bỉ của mình.
Trong khi đó, vai Nick vốn được "đo ni đóng giầy" cho Ben Affleck thì tính cách lại có phần nhẹ hơn so với Nick trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, ngoại hình của đạo diễn Argo lại hoàn toàn phù hợp với vai người chồng dường như bị "cả nước Mỹ ghét bỏ" (lời của nhân vật Sharon Schieber trong phim). Ben Affleck rất thành công trong vai trò đạo diễn nhưng ở vai trò diễn viên, anh không có nhiều fan và thường hay bị đánh giá không cao về biểu cảm gương mặt. Nhưng với Gone Girl, bản thân Ben Affleck cho thấy một sự thay đổi về diễn xuất.
Dàn diễn viên phụ của Gone Girl cũng góp phần không nhỏ tạo nên không khí và mạch kể hoàn chỉnh, hấp dẫn cho phiên bản điện ảnh. Đáng chú ý là sự xuất hiện của người mẫu Anh gốc Ba Lan đang lên hiện nay – Emily Ratajkowski. Người đẹp sinh năm 1991 vào vai nhân tình bí mật của Nick.
Bằng ngôn ngữ điện ảnh xen lẫn giữa không khí lãng mạn, căng thẳng, bí ẩn và một cái kết đầy ám ảnh; Gone Girl để lại nhiều dư vị với một câu hỏi tu từ: "Phải chăng hôn nhân là mồ chôn của tình yêu?!".
Nick và Amy cũng giống như bao người đàn ông và đàn bà khác trên thế giới. Họ gặp nhau, cảm thấy bị cuốn hút ở đối phương, yêu nhau một cách nồng nàn, cháy bỏng và quyết định đi đến hôn nhân. Nhưng đời sống vợ chồng không như mơ khi cả hai bị thử thách bởi sự ích kỷ, vật chất, bạo lực, sự chung thủy và cả nỗi cô đơn. Amy thậm chí đã viết trong nhật ký: "Đôi khi tôi cảm thấy như mình có thể biến mất bất kỳ lúc nào".
Từ một vấn đề tưởng như rất quen thuộc và không có gì mới lạ ở các cuộc hôn nhân trong đời sống hiện đại, nữ nhà văn Gillian Flynn đã tạo nên một câu chuyện đầy rùng rợn, đánh trúng vào thực tế của những đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là tâm lý của những người vợ. Sau đó, David Fincher đã biết cách biến những lời kể, câu chữ ấy trở thành những hình ảnh ám ảnh và giàu sức thuyết phục. Đoạn kết có thể hơi khó tin với một số khán giả nhưng về tổng thể, Gone Girl vẫn là một tác phẩm có đủ các yếu tố hấp dẫn và chân thực mà những ai đã và đang sống trong hôn nhân có thể tìm thấy ít nhiều sự đồng cảm.
Gone Girl (Cô gái mất tích) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 24/10.
Nguyên Minh