Cách đây không lâu, tôi gặp lại một người bạn cũ, 32 tuổi, làm việc trong ngành công nghệ. Lương tháng của Minh không thấp, nhưng sau 10 năm đi làm, cậu ấy vẫn phải ở trọ, theo lời bạn tôi "vì giá nhà đất tăng quá nhanh, không theo kịp".
Bạn tôi ở trọ trung tâm để tiện đi làm, những năm đầu chọn ở phòng chật hẹp, giá mềm, sau này thu nhập tăng lên thì chọn nơi ở thoải mái hơn. Tính luôn tiền điện nước, chi phí, trung bình 5 triệu đồng một tháng. Một năm tốn 60 triệu cho tiền thuê nhà, 10 năm là 600 triệu.
"Tính ra tiền thuê nhà của mình suốt những năm qua đủ để trả một phần tư căn chung cư 2,4 tỷ mới thấy người khác rao bán", bạn tôi nói.
Tôi nhận thấy không ít người trẻ đang lãng phí cả thanh xuân vào việc thuê nhà. Nếu có một chính sách hỗ trợ vay ưu đãi, cậu bạn tôi hoàn toàn an tâm và có thể dành số tiền đó để trả góp căn hộ giá rẻ. "Nếu có nhà hợp túi tiền, có gói vay lãi suất tốt, thì mình chỉ cần ráng thêm chút nữa là đủ trả lãi. Khi đó, vừa có nhà ở, vừa an tâm lập gia đình, sinh con".
Và khi có gói vay ưu đãi cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà, tôi thấy rất nhiều người đặt câu hỏi: "Trên 35 tuổi thì sao?, "Tôi 37 tuổi thì thế nào". Đồng ý chuyện mua nhà là việc cá nhân, không ai ngoài cuộc có thể trả lời giúp, nhưng tôi xin phân tích lý do cần hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà.
Việc hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà là điều cần thiết vì đây là giai đoạn sung sức nhất để kiếm tiền và tạo dựng tương lai. Qua tuổi này, nhiều người bắt đầu đối mặt với áp lực gia đình, con cái, sức khỏe, và nếu vẫn chưa có nhà, khả năng mua nhà sẽ ngày càng xa vời.
Một chính sách hỗ trợ đúng đắn không chỉ giúp người trẻ ổn định cuộc sống mà còn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội.
Nhà ở là nhu cầu thiết yếu, giúp người trẻ an cư lạc nghiệp. Khi có nơi ở ổn định, họ có thể tập trung phát triển sự nghiệp, lập gia đình mà không bị áp lực bởi việc chuyển trọ liên tục. Điều này cũng góp phần tạo ra một xã hội ổn định hơn, giảm thiểu các vấn đề xã hội liên quan đến nhà ở như giá thuê tăng cao hoặc tình trạng sống tạm bợ.
Khi nhiều người trẻ có nhà, nhu cầu về nội thất, sửa chữa, dịch vụ gia đình cũng tăng theo, kích thích sự phát triển của các ngành liên quan. Hơn nữa, bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Nếu người trẻ không có khả năng tiếp cận nhà ở, thị trường này có thể rơi vào tình trạng đóng băng hoặc phụ thuộc quá nhiều vào giới đầu cơ.
Việc sở hữu nhà cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định lập gia đình. Nếu không có nhà, nhiều cặp đôi trẻ sẽ trì hoãn kết hôn và sinh con, kéo theo hệ lụy là tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số nhanh hơn.
Nếu không có chính sách hỗ trợ, chỉ những người có điều kiện tài chính tốt hoặc được gia đình hậu thuẫn mới có thể mua nhà, trong khi những người xuất thân trung lưu hoặc thu nhập thấp gần như không có cơ hội sở hữu bất động sản. Điều này làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, khiến bất động sản trở thành sân chơi của một nhóm nhỏ trong xã hội.
Chi phí thuê nhà tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ, trong khi khoản tiền này không giúp người thuê sở hữu tài sản về lâu dài. Nếu có chính sách hỗ trợ vay mua nhà với lãi suất thấp, người trẻ có thể tận dụng số tiền thuê để trả góp, giúp họ có cơ hội sở hữu nhà thay vì mãi đi thuê.
Sở hữu nhà giúp người trẻ có động lực làm việc chăm chỉ hơn để trả nợ và nâng cao chất lượng sống.