Thầy dạy Văn luôn dành 5 phút đầu giờ để chúng tôi xem lại bài cũ, trong khi thầy lấy cuốn sổ điểm ra và làm như dò tên học sinh từ đầu đến cuối, mà cuối cùng thì luôn hỏi ai muốn xung phong trả bài ngày hôm nay để thầy cho điểm.
Đến gần cuối học kỳ, thầy sẽ nhắc tên các bạn chưa có điểm "miệng" để các bạn xung phong, rốt cùng thì sẽ cho những bạn không dám lên bảng kiểm tra trên giấy.
Cô dạy Sử thì đầu giờ nào cũng bắt chúng tôi "tốn" một tờ giấy để viết về bài học cũ, khi thì một con số, một ngày tháng, lúc thì cảm nhận một sự kiện. Chính bản thân tôi sau này cũng áp dụng cách này trong việc giảng dạy của mình. Tôi chỉ thêm một khâu nữa là luân chuyển bài viết của tất cả người học với nhau rồi tổ chức cho mọi người cùng kiểm tra, đánh giá, mà mục tiêu là giúp người học biết khen tặng người làm tốt, biết động viên khích lệ người chưa sẵn sàng.
Thầy dạy Địa thì đầu giờ nào cũng cho chúng tôi làm việc với những con số trên bảng, và hỏi khắp lượt học sinh về nguồn gốc, ý nghĩa, vai trò của những con số đó và khuyến khích chúng tôi nêu ý kiến xem tại sao, thầy lại hỏi những con số này.
Điều làm tôi luôn nhớ mãi về cách dạy của thầy đó chính là thầy sẽ luôn gọi những bạn học chưa tốt môn Địa với thái độ rất vui vẻ. Thầy sẽ cười xòa rồi nhắc bạn xem bài trước khi đến lớp, vào tiết chứ không hạ tay cho điểm "xấu".
Thầy dạy tôi rằng chỉ cần một lần người bạn học ấy được khen khi trả lời đúng sau mươi lần chưa chính xác cũng có thể làm cho bạn ấy thấy được là Địa lý rất đáng yêu và dễ học.
Phương pháp giảng dạy nào cũng có giá trị riêng, có ưu điểm cũng như hạn chế của nó, mấu chốt của mọi phương pháp nằm ở cái tâm của người truyền lửa.
Kiểm tra kiến thức cũ có liên quan đến bài học sẽ dạy là một khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình thực hiện một tiết (hoặc cả buổi) giảng, giữ vai trò ôn tập, khởi động tư duy, kết nối kiến thức, và tạo sự hưng phấn, hứng thú học tập cho người học, do đó nên được thực hiện đầu giờ cũng như xuyên suốt tiết (buổi) giảng.
Đây cũng là cơ hội của người dạy để tìm hiểu, gắn kết với người học, nắm bắt và phát hiện năng lực, năng khiếu, sở thích, đam mê của từng người học trong một tập thể học tập, từ đó kích phát tối đa nhu cầu và động lực học tập của lớp học.
Đúng là giáo dục cần kiểm tra bài cũ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được áp dụng trong thực tế (do kỹ năng và tâm lý giáo dục của người dạy) gây sang chấn tâm lý cho học sinh ở các cấp độ khác nhau; chứ không đơn thuần là kiểm tra bài cũ thông qua hình thức vấn đáp.
Có hàng ngàn cách kiểm tra bài cũ, không nhất thiết phải "ú òa", dọa dẫm tất cả người học theo kiểu ngẫu nhiên, tùy hứng của người dạy. Có hàng ngàn cách kiểm tra thông qua hình thức vấn đáp, không nhất thiết phải tạo ra tâm lý hoảng hốt (thậm chí là hoảng sợ) cho những người-học-chưa-chuẩn-bị-tốt ngay khi họ còn chưa kịp bắt đầu khởi động cho việc học tập.
Kiểm tra miệng đầu giờ xong thì học sinh "thở phào" (rơi vào trạng thái thư giãn) hoặc "sợ hãi" (rơi vào trạng thái rối loạn), lấy đâu ra sự sẵn sàng tâm lý và hưng phấn học tập nội dung bài học mới nữa? Như vậy, giá trị của kiểm tra miệng đầu giờ có thật sự "tốt" như những gì mọi người thường nói?
Thiển nghĩ, điều cần làm là cho người dạy thêm thời gian (bằng cách giảm tải nội dung dạy học) để họ áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra bài cũ cũng như cho họ thêm không gian (bằng cách trao quyền chủ động phương pháp, công cụ dạy học và kiểm tra đánh giá cho người dạy) để họ biến việc kiểm tra bài cũ thành thú vui của người học và cầu nối đến tri thức mới ở những bài học tiếp theo.
Dân gian có câu: "Có thực mới vực được đạo", người dạy có bớt áp lực thì mới mong người học được thư thái trưởng thành và phát triển tòan diện.
Trịnh Giang Tòan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.