Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về việc triển khai gói hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng. Theo đó, đến ngày 31/10, các ngân hàng đã giải ngân cho 920 cá nhân với dư nợ 221 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nhà băng cũng rót vốn thành công cho 4 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 91 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng triển khai, gói hỗ trợ nhà ở mới tiêu giải ngân hơn 1% ngân sách được duyệt.
Dư nợ các ngân hàng cam kết cho vay khả quan hơn, đạt gần 1.200 tỷ đồng. Trong đó, 939 khách hàng cá nhân được cam kết vay 325 tỷ đồng, 7 doanh nghiệp đã được ký hợp đồng tín dụng với tổng dư nợ 870 tỷ.
Hiện một số phòng công chứng không công nhận việc thế chấp căn hộ thương mại hay nhà ở xã hội hình thành trong tương lai để vay vốn, gây khó khăn cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Trả lời đại biểu Huỳnh Nghĩa về vướng mắc này, Thống đốc cho biết Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tư pháp để đẩy nhanh tiến độ. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho hay, trước mắt để xử lý tình huống, thay cho việc ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, các ngân hàng và người dân sẽ ký hợp đồng thế chấp 'Quyền phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai'. "Trên thực tế, nhiều phòng công chứng vẫn chấp nhận công chứng hợp đồng thế chấp này", Thống đốc trả lời trong văn bản.
Gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở trị giá 30.000 tỷ được triển khai từ 1/6. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với khách hàng là cá nhân và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp - cá nhân lần lượt là 30% và 70% từ gói này.
Thanh Thanh Lan