Chị Hoa là một công chức nhà nước sống ở Hà Đông, Hà Nội. Cách đây 3 năm vợ chồng chị dự định mua một căn hộ thu nhập thấp tại Sài Đồng. Hồ sơ đăng ký hoàn thiện, chủ đầu tư mới thông báo dự án chỉ bán cho những hộ dân có hộ khẩu trong nội thành. Tìm đến một dự án khác ở Gia Lâm, chị Hoa cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Gần đây chị lại nhận được điện thoại của phòng kinh doanh của một trong hai dự án đó mời mua căn hộ. Họ cũng cho biết, hiện hộ khẩu tại các quận ngoại thành cũng đủ điều kiện để mua.
Câu chuyện này khiến chị Hoa nhớ lại cảnh đăng ký mua nhà thu nhập thấp vài năm trước, được tuyển chọn như đi thi đại học. Không ít dự án hồ sơ nộp gấp nhiều lần số căn hộ được bán, một người phải "chọi" với 5 khách hàng dành được suất mua. Đến khi bốc thăm, chủ đầu tư thường trộn các căn có diện tích khác nhau vào, bốc đúng căn nào, khách hàng phải lấy căn đó nếu không coi như mất suất. Một số người để giành được suất phải nhờ cậy người thân hoặc phải mua qua cò với mức giá chênh hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay, trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc mua nhà thu nhập thấp không còn là một đặc ân. Các chủ đầu tư nhà xã hội cũng phải đơn giản hóa mọi thủ tục giấy tờ để giữ thu khách.
Gần đây, chủ đầu tư nhà thu nhập thấp Đặng Xá là Tổng công ty Viglacera chủ động tổ chức một buổi giới thiệu dự án khá rầm rộ đồng thời giải đáp các thắc mắc liên quan đến thủ tục, điều kiện và quy trình mua nhà cho khách hàng. Đầu tháng tới, chủ đầu tư này còn khai trương căn hộ mẫu để mời khách đến thăm. Đây là điều hiếm gặp ở thời điểm mấy năm trước.
Để "trói" chân khách hàng, gần đây Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà - chủ đầu tư dự án 143 Trần Phú, Hà Đông còn yêu cầu người mua phải nộp tiền đặt cọc. Tại phiên giao dịch bất động sản vừa tổ chức vào tuần trước, nhiều sản phẩm nhà xã hội cũng được doanh nghiệp mang đến để quảng bá, giới thiệu, kèm theo các gói hỗ trợ vay vốn.
Đại diện Viglacera cho biết thêm, để khách hàng được tiếp cận trực tiếp sản phẩm, không phải qua môi giới rồi lại gánh thêm giá chênh, đơn vị này cũng yêu cầu khách tự đến nộp hồ sơ.
Mấy năm trước, đối tượng mua căn hộ tại dự án Đặng Xá bị giới hạn về địa bàn là phải có hộ khẩu trong huyện Gia Lâm. Đến nay, chủ đầu tư mở rộng cho tất cả khách hàng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội đều đủ điều kiện mua.
Lãnh đạo Công ty cổ phần BIC Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Tây Nam Linh Đàm cũng cho biết, bên cạnh việc cân nhắc để đưa ra mức giá cạnh tranh so với những dự án cùng khu vực, đơn vị này có thể khuyến mại một số nội thất cho khách hàng khi bàn giao căn hộ.
Ông này thừa nhận hiện nay các chủ đầu tư nhà xã hội đều tìm cách chủ động tiếp cận khách hàng như những dự án thương mại. "Khác với trước đây, muốn mua nhà phải xếp hàng, tranh giành nhau. Sự thay đổi này chính là do thị trường tự điều tiết. Trước đây thị trường sốt, buôn bất động sản có lãi nhưng nay tất cả đều phải quay về giá gốc ban đầu. Chủ đầu tư cũng muốn bán được hàng nên phải hết sức hỗ trợ người dân, đơn giản hóa thủ tục", vị này cho hay.
Lý giải về về sự thay đổi trên thị trường, đại diện Viglacera thừa nhận, gần đây các chủ đầu tư được hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ trong việc phát triển nhà xã hội, do đó giá nhà giảm đáng kể. Bên cạnh đó, số các dự án tăng, sự cạnh tranh cũng vì thế mà mạnh mẽ hơn buộc các đơn vị muốn bán được hàng phải đúng nghĩa coi "khách hàng là thượng đế".
Nhà thu nhập thấp hay còn gọi là nhà xã hội khác với căn hộ thương mại vì chỉ những người đủ điều kiện mới được mua. Theo quy định, đối tượng mua nhà thu nhập thấp là các cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lao động trong doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế... có hộ khẩu tại địa bàn xây dựng dự án. Điều kiện để được mua loại căn hộ này là người chưa có nhà ở hoặc nhà đang ở có diện tích dưới 5m2 một người, thu nhập thường xuyên bình quân hàng tháng không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân... |
Ngọc Tuyên